Tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 quy định, bất cứ ai tham gia BHXH bắt buộc đều được hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Tuy nhiên, lao động nữ sinh con phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh mới được nhận khoản tiền này.

Đặc biệt, từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ sở sẽ áp dụng là 1.490.000 đồng, tăng 100 nghìn đồng/tháng so với mức hiện hành, do đó tiền trợ cấp thai sản đối với người lao động nữ cũng sẽ tăng theo mức lương mới.

Cụ thể, lao động nữ đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản, từ ngày 1/7/2019 sẽ được nhận tiền trợ cấp 1 lần là 2,98 triệu đồng (cao hơn mức hiện hành là 200.000 đồng); tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh là 447.000 đồng/ngày (cao hơn mức hiện hành là 30.000 đồng/ngày); tiền chế độ thai sản (mức hưởng hàng tháng = 100% x mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 6 tháng trước khi nghỉ sinh).

Đối với trường hợp lao động nam đóng đủ từ 6 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi vợ sinh con và vợ không tham gia BHXH, khi vợ sinh con, từ ngày 1/7/2019 sẽ được nhận tiền trợ cấp 1 lần là 2,98 triệu đồng (cao hơn mức hiện hành là 200.000 đồng).

Ngoài ra, theo Luật BHXH năm 2014, trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai; thời gian nghỉ này được tính theo ngày làm việc, không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.

Trường hợp sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, lao động nữ được nghỉ 10 ngày nếu thai dưới 5 tuần tuổi; 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi; 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi; 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

Trường hợp lao động nữ sinh con được nghỉ việc trước và sau khi sinh con là 6 tháng; sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, được nghỉ thêm 1 tháng; thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng…