Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, tuy nhiên, nhiều quy định mới về chính sách pháp luật BHXH được áp dụng và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018.

Một là, mở rộng thêm 2 nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Đó là, người lao động có hợp đồng lao động từ 1 tháng đến dưới 3 tháng và người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

Hai là, sửa đổi quy định về mức đóng, hưởng chế độ BHXH hàng tháng.

Về đóng BHXH, từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định tại Khoản 1, điểm a Khoản 2 Điều 4 và điểm a Khoản 3 Điều 4 của Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động – Thương bình và Xã hội về hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động, được ghi trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương. 

Về hưởng BHXH, từ ngày 01/01/2018 trở đi, thay đổi điều kiện hưởng lương hưu đối với người về hưu trước tuổi. Theo đó, người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, được hưởng lương hưu với mức thấp hơn trong trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 61% - 80% phải đủ điều kiện về tuổi đời như sau: 

Năm nghỉ hưởng lương hưu

Tuổi đời đối với nam

Tuổi đời đối với nữ

2018

Từ đủ 53 tuổi trở lên

Từ đủ 48 tuổi trở lên

2019

Từ đủ 54 tuổi trở lên

Từ đủ 49 tuổi trở lên

Từ 2020 trở lên

Từ đủ 55 tuổi trở lên

Từ đủ 50 tuổi trở lên

Trường hợp người lao động đã có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên, trong đó từ đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì không kể tuổi đời.

Ba là, tăng dần số năm đóng BHXH để được hưởng mức lương hưu tối đa.

Từ 01/01/2018, lao động nữ nghỉ hưu khi đóng đủ 15 năm BHXH hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Từ năm thứ 16 trở đi, mức hưởng BHXH tăng thêm 2%; đóng đủ 30 năm được hưởng lương hưu tối đa 75% thay vì 25 năm như hiện nay.

Đối với lao động nam, theo luật hiện hành, lao động nam đóng 15 năm BHXH hưởng lương hưu 45% bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Tuy nhiên, từ 01/01/2018, để hưởng mức lương hưu 45%, lao động nam phải đóng đủ 16 năm; tới 2022 phải tham gia 20 năm BHXH mới được hưởng mức 45%. Muốn hưởng lương hưu ở mức tối đa 75%, lao động nam phải đóng bảo hiểm 35 năm, thay vì đóng bảo hiểm 30 năm như hiện nay. 

Lao động nam nghỉ hưu trong năm 2018 đóng đủ 31 năm BHXH hưởng lương hưu tối đa 75% bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Nếu lao động nam nghỉ hưu từ năm 2019, 2020, 2021 và 2022 trở đi phải đóng tương ứng từ 32 đến 35 năm BHXH mới được hưởng 75%. Muốn hưởng lương hưu tối đa 75%, người lao động đóng BHXH thêm 5 năm nữa so với hiện nay. Mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi theo quy định thì bị trừ 2%.

Bốn là, Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện.

Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo); 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; 10% đối với các đối tượng khác.

Năm là, tăng chế tài xử lý đối với một số tội vi phạm pháp luật về BHXH.

Tăng chế tài xử lý đối với tội gian lận BHXH, BHTN và tội trốn đóng BHXH, BHYT,BHTN cho người lao động được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015.

Cụ thể, tội gian lận BHXH, BHTN quy định tại Điều 214 Bộ luật Hình sự 2015, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây: Chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này thì bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm nếu: lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, hồ sơ BHTN lừa dối cơ quan BHXH; dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan BHXH hưởng các chế độ BHXH, BHTN.

Điều 214 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, phạt tiền từ 100 - 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm với một trong các trường hợp sau đây: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN từ 100 đến dưới 500 triệu đồng; gây thiệt hại từ 200 đến dưới 500 triệu đồng; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; tái phạm nguy hiểm.

Liên quan đến tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động  quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015, người nào gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo quy định từ 6 tháng trở lên, bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến một năm; Phạt tiền từ 200 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm với các hành vi: phạm tội 2 lần trở lên; trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 đến dưới 200 người; không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015.

PV.