Theo đó, tài sản công của cơ quan nhà nước bị thu hồi trong 08 trường hợp sau đây:

Một là, trụ sở làm việc không sử dụng liên tục quá 12 tháng;

Hai là, được Nhà nước giao trụ sở mới hoặc đầu tư xây dựng trụ sở khác để thay thế;

Ba là, tài sản được sử dụng không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức; sử dụng sai mục đích, cho mượn;

Bốn là, chuyển nhượng, bán, tặng cho, góp vốn, sử dụng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự không đúng quy định; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định;

Năm là, tài sản đã được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm nhưng không còn nhu cầu sử dụng hoặc việc sử dụng, khai thác không hiệu quả hoặc giảm nhu cầu sử dụng do thay đổi tổ chức bộ máy, thay đổi chức năng, nhiệm vụ;

Sáu là, phải thay thế do yêu cầu đổi mới kỹ thuật, công nghệ theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền;

Bảy là, cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tự nguyện trả lại tài sản cho Nhà nước;

Tám là, trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, cơ quan nhà nước có tài sản bị thu hồi có trách nhiệm bàn giao tài sản theo đúng quyết định thu hồi. Nghiêm cấm việc tháo dỡ, thay đổi các bộ phận của tài sản đã có quyết định thu hồi.

Cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận tài sản thu hồi theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền; thực hiện hoặc ủy quyền cho cơ quan nhà nước có tài sản thu hồi thực hiện việc bảo quản, bảo vệ, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản trong thời gian chờ xử lý;

Đồng thời, lập phương án xử lý, khai thác tài sản thu hồi trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức thực hiện xử lý, khai thác tài sản theo phương án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.

Tài sản công bị thu hồi sẽ được xử lý theo các hình thức: giao cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng theo quy định; điều chuyển; bán, thanh lý; tiêu hủy theo quy định hoặc hình thức xử lý khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

PV.