Theo đó, trong trường hợp khám chữa bệnh tại cơ sở không ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT (trừ trường hợp cấp cứu) tại cơ sở tuyến huyện và tương đương thì thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT trong trường hợp khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT theo quy định nhưng tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở tại thời điểm khám bệnh, chữa bệnh (tương đương 2,235 triệu đồng, tăng 150 nghìn đồng so với hiện hành).
Trường hợp khám bệnh chữa bệnh nội trú, thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT theo quy định nhưng tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện (tương đương với 745 nghìn đồng, tăng 50 nghìn đồng).
Tại cơ sở tuyến tỉnh và tương đương, mức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT tối đa không quá 1,49 triệu đồng tại thời điểm ra viện nếu khám chữa bệnh nội trú (tăng 100 nghìn đồng so với hiện hành).
Tại cơ sở tuyến trung ương và tương đương, mức thanh toán tối đa không quá 3,725 triệu đồng tại thời điểm ra viện nếu khám chữa bệnh nội trú (tăng 270 nghìn đồng so với hiện hành).
Trong trường hợp khám chữa bệnh tại nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT không đúng quy định (thẻ BHYT không có ảnh hoặc không có giấy tờ chứng minh nhân thân) thì mức chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT trong trường hợp ngoại trú tối đa không quá 223,5 nghìn đồng (tăng 15 nghìn đồng so với hiện hành); trường hợp khám chữa bệnh nội trú được thanh toán tối đa không quá 745 nghìn đồng (tăng 50 nghìn đồng).
Bên cạnh đó, với mức lương cơ sở từ 01/7/2019, ngoài các đối tượng thuộc diện thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh thì những ai thuộc các trường hợp dưới đây cũng được hưởng BHYT với mức 100%: người khám chữa bệnh một lần ít hơn 223,5 nghìn đồng (tăng 15 nghìn đồng); Tham gia BHYT 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả trong năm nhiều hơn 8,94 triệu đồng (tăng 600 nghìn đồng so với hiện hành).