Có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy mócthiết bị làm việc. Theo Bộ Tài chính, đối tượng áp dụng cũng được hoàn thiện phù hợp với đối tượng được giao sử dụng tài sản công theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Cụ thể, có 2 nhóm đối tượng áp dụng quy định tại Quyết định này, gồm: Một là, cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động, đơn vị sự nghiệp công lập, ban quản lý dự án sử dụng vốn nhà nước. Hai là, các chức danh làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, gồm: cán bộ, công chức, viên chức; Cá nhân ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn; Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến

Theo Bộ Tài chính, tại Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg có nhiều nội dung mới so với Quyết định số 58/2015/QĐ-TTg. Trong đó, để việc trang bị máy tính linh hoạt và phù hợp với nhu cầu thực tế, Quyết định đã bổ sung quy định có thể trang bị máy vi tính để bàn hoặc máy tính xách tay và điều chỉnh mức giá loại thiết bị này từ 13 triệu đồng lên 15 triệu đồng.

Quyết định cũng bổ sung quy định về định mức sử dụng máy theo quy mô số lượng cán bộ tại các phòng làm việc. Theo đó, trường hợp phòng làm việc có từ 10 người trở lên được bổ sung theo nguyên tắc cứ tăng đến 10 người thì được trang bị bổ sung 01 máy. Ngoài máy móc, thiết bị tại các phụ lục, cơ quan, người có thẩm quyền quyết định đầu tư, mua sắm quyết định việc trang bị máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến cần thiết khác phù hợp với nhu cầu thực tế, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Quyết định cũng cho phép được điều chỉnh mức giá trang bị máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến trong trường hợp có biến động tăng.

Tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị sử dụng chung

Các chuyên gia cho rằng, quyết định số 58/2015/QĐ-TTg chỉ quy định máy móc, thiết bị tại các phòng để sử dụng hoạt động chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tuy nhiên, thực tế tại cơ quan, tổ chức, đơn vị ngoài máy móc thiết bị sử dụng cho phòng hoạt động chung còn có máy móc thiết bị sử dụng chung cho cả cơ quan, tổ chức, đơn vị khác như: hệ thống tổng đài, hệ thống thiết bị điện, điều hòa, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống giám sát an ninh, cầu thang máy...

Do vậy, để bao quát đầy đủ máy móc, thiết bị và phù hợp với thực tế sử dụng, Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg đã sửa tên Điều này thành “Máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị”, gồm: Máy móc, thiết bị trang bị tại các phòng phục vụ hoạt động chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Máy móc, thiết bị gắn với nhà, vật kiến trúc, công trình xây dựng và các máy móc, thiết bị khác phục vụ hoạt động chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đối với máy móc thiết bị sử dụng chung, Thủ tướng Chính phủ không quy định tiêu chuẩn, định mức và không giao thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức.

Tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng

Theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, tất cả máy móc, thiết bị chuyên dùng đều phải ban hành tiêu chuẩn, định mức. Theo đó, Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg đã quy định việc ban hành tiêu chuẩn, định mức máy móc thiết bị chuyên dùng như sau:

Đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng (trừ máy móc thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục), các bộ, cơ quan trung ương ban hành hoặc phân cấp thẩm quyền ban hành của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Đối với địa phương, UBND cấp tỉnh ban hành hoặc phân cấp thẩm quyền ban hành sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Thường trực HĐND cùng cấp.

Đối với máy móc, thiết bị thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tào có trách nhiệm quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế và giáo dục. Căn cứ quy định của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, bộ, cơ quan trung ương, địa phương ban hành hoặc phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục tại cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi quản lý. Trường hợp Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa quy định chi tiết hướng dẫn theo quy định, bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh trước khi ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng phải có văn bản lấy ý kiến của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo Quyết định, việc ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng được phép phân cấp và chỉ ban hành đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng đủ điều kiện là tài sản cố định.

Để triển khai hiệu quả Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị rà soát lại các quy định về tiêu chuẩn, định mức máy móc thiết bị chuyên dùng đã ban hành (nếu có) để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới đảm bảo phù hợp quy định của Luật và Quyết định. Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức máy móc thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ.

Căn cứ quy định của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và đào tạo và tình hình thực tế, bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh xác định thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Trên cơ sở đó, chỉ đạo xây dựng, ban hành kịp thời tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc thiết bị chuyên dùng để làm cơ sở thực hiện việc giao, đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Ánh Trang