PGS.TS. NGÔ VĂN HIỀN, TS. PHẠM THỊ HỒNG NHUNG - HỌC VIỆN TÀI CHÍNH
Kinh nghiệm quản lý nhà nước về tài chính trong giáo dục đại học
Ấn Độ:
Ấn Độ có số lượng sinh viên đại học lớn thứ ba thế giới (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ) với 323 trường đại học, 12 triệu sinh viên chiếm 12% số người trong độ tuổi vào đại học. Từ những năm 2004-2005, tại Ấn Độ, các vấn đề liên quan đến quy định pháp lý về tự chủ nói chung và tự chủ về tài chính dưới giác độ quản lý như các quy định về nguồn hỗ trợ tài chính từ chính quyền tiểu bang, cơ cấu học phí; tổ chức bộ máy quản lý tài chính như Ủy ban Tài trợ Đại học (UGC) và các tổ chức khác… đã được bàn thảo và tranh luận.
Các nhà khoa học cho rằng, trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là trong GDĐH, nếu thiếu tự chủ về tài chính, sẽ không thể tự chủ được về học thuật và quản trị đại học. Nguồn ngân sách được cấp từ các tiểu bang cho các cơ sở GDĐH đã ràng buộc các trường đại học với chính quyền tiểu bang và chính điều này đã làm hạn chế sự tự chủ của các cơ sở GDĐH.
Để tăng quyền tự chủ cho các trường đại học, các nghiên cứu cũng đã đề xuất, chính quyền tiểu bang chỉ nên hỗ trợ tài chính để chi trả lương và một số khoản phúc lợi khác có liên quan. Các nhà khoa học khuyến cáo, chính quyền tiểu bang nên xây dựng một cơ chế để cân đối các nguồn quỹ cho các cơ sở GDĐH và đảm bảo rằng việc sử dụng các nguồn quỹ này khả thi, giúp cho việc thúc đẩy tự chủ của các cơ sở GDĐH.
Các nhà khoa học cũng khuyến nghị thành lập một Ủy ban Tài chính GDĐH ở cấp tiểu bang. Ủy ban này có nhiệm vụ đánh giá nhu cầu của các cơ sở GDĐH và tham vấn cho chính quyền tiểu bang cho phép các cơ sở GDĐH tự chủ. Chính quyền tiểu bang sẽ quyết định trên cơ sở ý kiến tham vấn của Ủy ban Tài chính Giáo dục và không sử dụng bất kỳ cách thức nào để chi phối sự tự chủ của các cơ sở GDĐH.
Ủy ban về tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GDĐH Ấn Độ đã có các khuyến nghị liên quan đến học thuật, quản trị, và tài chính một cách chuyên nghiệp cùng với trách nhiệm giải trình và những cam kết xã hội. Các khuyến nghị được đưa ra như sau:
Một là, mức độ tài trợ phải được tăng cao theo trình độ đào tạo (cả ngân sách nhà nước và đóng góp học phí của sinh viên). Một phần ba mức đầu tư cho toàn bộ ngành giáo dục nên được dành cho GDĐH. Mức kinh phí cấp cho các trường cao đẳng và đại học hiện tại cần phải được gia tăng.
Nguồn ngân sách chi cho GDĐH với mong muốn sự phát triển mạnh của GDĐH trong bối cảnh kinh phí hạn hẹp là điều không thể. Ngoài nguồn cấp từ ngân sách nhà nước, các trường đại học cần phải xác định các cách thức mới để đa dạng hoá nguồn lực về tài chính.
Hai là, các cơ sở giáo dục được quyền quyết định cơ cấu học phí cho các khóa học khác nhau, sau khi tham vấn với chính quyền tiểu bang. Nhà nước khuyến khích các cơ sở GDĐH điều chỉnh mức học phí phù hợp với thực tế nhằm thúc đẩy các nguồn lực nội sinh.
Ba là, tất cả các cơ sở GDĐH phải miễn giảm học phí và cấp học bổng cho sinh viên có thành tích cao trong học tập và sinh viên đến từ các tầng lớp thu nhập thấp của xã hội.
Bốn là, các cơ sở GDĐH cần công bố công khai cơ chế quản lý tài chính cùng với hệ thống kiểm toán nội bộ nhằm đảm bảo quản lý chi tiêu hợp lý theo các nguyên tắc quản lý tài chính. Các kết quả của báo cáo kiểm toán phải được thảo luận và xử lý để cải thiện tổng thể cơ chế quản lý tài chính trong hệ thống GDĐH.
Các nước châu Âu:
Các cơ sở GDĐH ở châu Âu hiện được xếp ở các vị trí thấp trong các bảng xếp hạng quốc tế. Các nhà khoa học cũng đánh giá rằng, các trường đại học ở châu Âu chịu ảnh hưởng từ việc quản trị đại học yếu kém, tự chủ không đầy đủ.
Việc công bố xếp hạng toàn cầu đã khiến cho hầu hết các nhà hoạch định chính sách châu Âu ý thức về tầm quan trọng của vấn đề và khuấy động một cuộc tranh luận về cải cách đại học. Nguyên nhân của sự xếp thứ hạng thấp của các trường đại học ở châu Âu là do thiếu tự chủ về tài chính, đầu tư ngân sách thấp. Năm 2001, tổng chi tiêu (cả trường công lẫn tư thục) cho GDĐH ở châu Âu là 1,3% GDP, trong khi đó ở Mỹ là 3,3%. Mức chi cho một sinh viên hằng năm ở châu Âu là 8.700 Euro so với Mỹ là 36.500 Euro.
Điều đặc biệt là, tại châu Âu, có sự khác biệt lớn giữa quy mô sinh viên và ngân quỹ đầu tư cho các trường đại học. Nam Âu (Ý và Tây Ban Nha), các trường đại học lớn (trung bình hơn 40.000 sinh viên) không phải là các trường được đầu tư tốt. Thụy Điển và Hà Lan có các trường đại học có quy mô trung bình (20.000 đến 25.000 sinh viên) nhưng lại được đầu tư tốt hơn, trong khi đó các trường đại học cỡ trung bình ở Đức và Bỉ lại không được đầu tư tốt. Ngược lại Anh, Thụy Sỹ có các trường đại học nhỏ (10.000 đến 15.000 sinh viên) nhưng lại được đầu tư rất tốt.
Nghiên cứu của D. Bruce Johnstone cho rằng: “Tài chính là nền tảng chi phối phần lớn 3 chủ đề bao quát về chính sách GDĐH hiện đại” và việc cung cấp tài chính cho GDĐH, cần xem xét 3 vấn đề lớn: Quy mô đầu tư cho GDĐH của quốc gia, hiệu quả và năng suất của GDĐH, các nguồn thu nhập để hỗ trợ cho GDĐH.
Trong nghiên cứu “Tài chính cho GDĐH - Xu hướng và vấn đề”, Arthur M. Hauptman đã phân tích các chính sách tài chính GDĐH như mức độ hỗ trợ tổng thể các nguồn lực cho GDĐH, tỷ lệ hoàn vốn, mức độ đầu tư và tham gia của nhà nước. Tuy nhiên, sự tăng trưởng không đồng đều giữa quy mô đào tạo và nguồn lực, đòi hỏi tăng cường tính trách nhiệm, tư nhân hóa theo cơ chế thị trường.
Để cải thiện tình hình tài chính giáo dục châu Âu, 2 khuyến nghị về cơ chế tài chính cơ bản được đưa ra:
Một là, các nước châu Âu nên tăng ngân quỹ cho GDĐH ít nhất 1% trong 10 năm tới. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là gánh nặng của sự gia tăng này sẽ được chia sẻ như thế nào giữa ngân sách nhà nước và tư nhân, bao gồm học phí của người học.
Hai là, các trường đại học châu Âu nên tự chủ hơn, đặc biệt đối với chi ngân sách bao gồm cả việc thuê giảng viên và trả thù lao cho giảng viên. Điều quan trọng là cả quản lý tài chính tốt và quản trị tốt. Hai nội dung này đi liền với nhau và bổ sung cho nhau. Quản lý ngân sách sẽ ảnh hưởng tới quản trị nhà trường và cải cách quản trị có ảnh hưởng đến quản lý ngân sách.
Gợi ý chính sách cho Việt Nam
Quản lý tài chính trong điều kiện tự chủ là vấn đề đang được bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn giáo dục. Những kinh nghiệm quốc tế trong quản lý nhà nước về giáo dục tại các quốc gia có hệ thống giáo dục phát triển sẽ là bài học quan trọng đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, khi Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực đưa các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) công lập sang hoạt động theo mô hình tự chủ.
Một là, tăng cường tự chủ cho GDĐH.
Kinh nghiệm từ Ấn Độ, việc tăng cường quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH là cần thiết, khách quan. Mặc dù tài chính là phương tiện để hướng tới mục tiêu tự chủ thành công nhưng tự chủ về tài chính được coi là vấn đề trọng tâm nhất trong tự chủ đại học. Các cơ sở GDĐH được trao quyền quyết định cơ cấu học phí cho các khóa học khác nhau, sau khi tham vấn với Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Bộ chủ quản.
Trên thực tế, không phải học phí có thể tăng lên tùy ý mà phụ thuộc rất lớn vào khả năng đóng góp của người học mà điều này lại phụ thuộc vào chính sách tài chính quốc gia, sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Các cơ sở GDĐH được khuyến khích điều chỉnh để mức học phí hợp lý, phù hợp với thực tế nhằm thúc đẩy nguồn lực nội sinh.
Để nỗ lực này thành công, kinh nghiệm của các trường đại học châu Âu cho thấy, quyền tự chủ được mở rộng không chỉ đối với tài chính mà cả về học thuật và quản trị đại học.
Hai là, tăng cường đầu tư cho giáo dục.
Các nghiên cứu và kinh nghiệm từ Ấn Độ, châu Âu đều cho thấy, sự phát triển của hệ thống GDĐH phụ thuộc vào đầu tư cho giáo dục (Tổng chi tiêu cho GDĐH ở châu Âu là 1,3% GDP, Mỹ là 3,3% và Việt Nam là 3,0%). Mặc dù tỷ lệ đầu tư cho GDĐH Việt Nam so với GDP là cao nhưng do GDP Việt Nam thấp nên tỷ lệ đầu tư này vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu của cải cách GDĐH. Để có thể nâng cao chất lượng đào tạo cần thiết nâng cao tỷ lệ đầu tư cho GDĐH.
Cũng từ kinh nghiệm của Ấn Độ, nguồn tài trợ cho GDĐH cần phải đa dạng tránh gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Theo đó, nguồn tài trợ cho GDĐH cần được chia sẻ với sự đóng góp của người từ học phí và các hỗ trợ tín dụng khác.
Ba là, phân cấp mức độ đầu tư cho giáo dục.
Tự chủ không có nghĩa nhà nước sẽ không đầu tư cho giáo dục mà các trường đại học sẽ phải phân loại theo các tiêu chí để đầu tư. Để có đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đặc biệt hướng tới cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, cần thiết tăng đầu tư cho GDĐH thực hành theo hướng ưu tiên. Một phần ba mức đầu tư cho toàn bộ ngành giáo dục nên được dành cho GDĐH là một mức hợp lý đối với Việt Nam từ kinh nghiệm của Ấn Độ.
Bốn là, tăng cường trách nhiệm giải trình và thanh tra, kiểm tra.
Tăng cường quyền tự chủ nhưng phải đi kèm với công bố chuẩn đầu ra, kiểm định chất lượng và kiểm toán. Theo kinh nghiệm từ Ấn Độ, đối với các cơ sở tự chủ tài chính, việc thực hiện chuẩn đầu ra đã công bố và tài chính cần được giới thiệu nhằm mang lại cấp độ minh bạch cao hơn trong quản lý tài chính.
Cơ quan quản lý cần thực hiện kiểm toán nội bộ đối với các trường đại học nhằm đảm bảo quản lý chi tiêu hợp lý và tuân thủ các quy định về quản lý tài chính. Các kết quả của báo cáo kiểm toán phải được thảo luận và xử lý để cải thiện tổng thể cơ chế quản lý tài chính trong hệ thống GDĐH.
Năm là, thực hiện chế độ miễn, giảm học phí và cấp học bổng cho sinh viên.
Việc tăng học phí phải đi kèm với các chế độ miễn giảm học phí và cấp học bổng cho sinh viên có thành tích cao trong học tập và sinh viên đến từ các tầng lớp thu nhập thấp của xã hội. Các cơ sở giáo dục cũng nên khuyến khích và tạo điều kiện về các khoản cho vay học tập dành cho GDĐH, theo kinh nghiệm từ Ấn Độ và cả châu Âu.
Sáu là, xây dựng các quỹ tài chính.
Về xây dựng các quỹ tài chính, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quỹ tài chính phải được thành lập nhằm tiết kiệm chi tiêu và được sử dụng đúng mục đích. Các quỹ có thể được đưa ra là quỹ ổn định thu nhập, quỹ khoa học công nghệ, quỹ khen thưởng… Quy chế tổ chức, hoạt động của các quỹ phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ.
Bảy là, thành lập hội đồng tư vấn giáo dục trực thuộc Chính phủ.
Việc thành lập một Hội đồng tư vấn cho Chính phủ cần được tính đến theo kinh nghiệm từ Ấn Độ nhằm cân đối nguồn tài trợ từ ngân sách nhà nước giữa các trường Đại học công lập theo các tiêu chí và tiêu chuẩn nhất định một khi các trường có công bố chuẩn đầu ra, cam kết xã hội và được một tổ chức đánh giá quốc tế đánh giá độc lập, khách quan.
Trong đó, ý kiến phản hồi của sinh viên sau tốt nghiệp, tỷ lệ có việc làm sau một thời gian nhất định và ý kiến của doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân lực của các trường là yếu tố quan trọng trong việc đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.
Từ nghiên cứu kinh nghiệm của Ấn Độ, châu Âu cho thấy quan điểm, mọi quốc gia đều đang nỗ lực phát triển hệ thống GDĐH ngang tầm quốc tế, thích ứng với sự phát triển của khoa học, công nghệ và hội nhập. Các bài học kinh nghiệm từ nghiên cứu kinh nghiệm Ấn Độ và châu Âu sẽ là những gợi ý chính sách cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2010), Đổi mới quản lý hệ thống GDĐH giai đoạn 2010-2012, NXB Giáo dục Việt Nam;
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2011), Kỷ yếu Hội thảo Quốc gia về khoa học giáo dục Việt Nam, tập 1, tháng 2-2011;
3. Lâm Quang Thiệp, D. Bruce Johnstone, Philip G. Altbach (2006), GDĐH Hoa Kỳ, NXB Giáo dục, Đỗ Thị Diệu Ngọc dịch;
4. Charu Sudan Kasturi, India at foreign door for varsity – Appeal for help after half a century, The Telegraph, 28-5-2008;
5. Philip Altbach (2007), World-Class Country without World-Class Higher Education: India’s 21st Century Dilemma;
6. Philippe Aghion, Mathias Dewatripont, Caroline Hoxby, Andreu Mas-Colell, André Sapir, Helping Academic Research in Europe: More Money and More Autonomy, Please! 01 October 2007;
7. Report of the Central Advisory Board of Education (CABE) Comittee on Autonomy of Higher Education Institutions, năm 2005.