Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các trường còn nhiều vướng mắc, bất cập chưa được giải quyết. Trên cơ sở thực trạng quản lý tài chính giáo dục đại học, những kết quả đạt được và hạn chế trong quản lý tài chính, bài viết đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính ở các trường đại học công lập hiện nay.
Đặc điểm hoạt động quản lý tài chính tại các trường đại học công lập
Trường đại học công lập (ĐHCL) là đơn vị sự nghiệp có thu hoạt động trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng. Trường ĐHCL là đơn vị dự toán cấp 3, thụ hưởng ngân sách nhà nước thông qua đơn vị dự toán cấp 1. Đặc điểm này ảnh hưởng đến quản lý tài chính các nguồn thu và các nhiệm vụ chi đặc trưng của các trường ĐHCL.
Nguồn thu của các trường ĐHCL là các khoản kinh phí mà nhà trường nhận được không phải hoàn trả trực tiếp theo luật pháp mà dùng để triển khai các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác. Nguồn thu của các trường ĐHCL bao gồm: Nguồn ngân sách nhà nước cấp, nguồn thu sự nghiệp từ học phí, lệ phí từ người học theo quy định của Nhà nước; thu từ các hoạt động hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất thử; thu từ hoạt động sản xuất, dịch vụ và nguồn thu khác như tài trợ, viện trợ, ủng hộ, quà tặng của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
Nội dung chi của các trường ĐHCL bao gồm: Chi thường xuyên (chi thanh toán cá nhân (tiền lương, phụ cấp lương, phúc lợi, phí bảo hiểm xã hội, học bổng); chi hoạt động nghiệp vụ (dịch vụ công cộng, vật tư văn phòng, hội nghị, công tác phí, thuê mướn); và chi mua sắm, xây dựng cơ bản và sửa chữa tài sản cố định thường xuyên; Chi hoạt động sản xuất, cung ứng dịch vụ; Chi thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, chương trình mục tiêu quốc gia; Chi đầu tư phát triển; Chi khác…
Trên góc độ đơn vị dự toán, các trường ĐHCL có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị trực thuộc lập dự toán thu, chi ngân sách; tổng hợp dự toán thu, chi ngân sách hàng năm của cả trường; căn cứ vào cơ chế phân cấp quản lý tài chính và quy chế chi tiêu nội bộ để tiến hành giám sát, kiểm tra việc thực hiện chế độ thu chi tài chính trong đơn vị. Các trường ĐHCL có quyền giao cơ chế tài chính và dự toán thu chi ngân sách năm cho các đơn vị cấp dưới; chủ động bố trí, cân đối, sắp xếp mọi nhu cầu chi tiêu của toàn trường trong phạm vi dự toán thu chi được giao.
Hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các trường đại học công lập
Hiện nay, việc quản lý tài chính tại các trường ĐHCL đang được thực hiện theo quy định của Nghị định 16/2015/NĐ-CP ban hành ngày 14/2/2015 của Chính phủ thay thế Nghị định số 43/2006/NĐ-CP về quy định cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị quyết 77/NQ-CP, ngày 24/10/2014 của Chính phủ về việc thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục công lập, giai đoạn 2014- 2017. Nhà nước đã xác định tự chủ đại học là xu hướng tất yếu và các trường ĐHCL buộc phải thích nghi với môi trường hoạt động mới: Đào tạo gắn với nhu cầu xã hội. Cơ chế tự chủ tài chính cho phép các trường ĐHCL tự xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, đây là căn cứ pháp lý để điều hành, quyết toán kinh phí và kiểm soát chi trong các trường ĐHCL nhưng đồng thời, phải chịu nhiều áp lực cạnh tranh vốn có của nền kinh tế thị trường.
Từ khi có Nghị định 43/2006/NĐ-CP và nay là Nghị định 16/2015/NĐ-CP, cơ chế quản lý tài chính các trường ĐHCL có những bước chuyển biến đáng kể:
Thứ nhất, các trường ĐHCL đã chuyển mình từ chỗ hoàn toàn dựa vào ngân sách cấp 100% cho các khoản chi thường xuyên đến nay đã có nhiều trường tự chủ được 100% và trên 50% kinh phí chi thường xuyên. Cơ cấu nguồn thu của các trường ĐHCL có sự thay đổi đáng kể, tỷ trọng các nguồn thu từ học phí, lệ phí và các hoạt động dịch vụ, lao động - sản xuất tăng lên, để bù đắp cho phần cắt giảm tài trợ từ ngân sách nhà nước.
Thứ hai, các nhà quản lý các trường ĐHCL đã có sự thay đổi đáng kể trong cách thức quản lý và định hướng phát triển. Các nhà quản lý không chỉ lo về công tác chuyên môn, bảo đảm chất lượng cho các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường, mà còn nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp để nâng cao nguồn thu, bảo đảm cho việc vận hành các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển nhà trường.
Thứ ba, để thực hiện quyền và nghĩa vụ tự chủ tài chính của trường, các trường ĐHCL đã chủ động khai thác nguồn thu sự nghiệp, như tăng cường các hoạt động dịch vụ, lao động sản xuất, thực hiện các hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ, thành lập các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các trường còn mở rộng các hoạt động liên kết đào tạo, đặc biệt là liên kết với các trường đại học nước ngoài, qua đó vừa tăng nguồn thu cho trường, vừa nâng cao chất lượng đào tạo và uy tín của trường.
Thứ tư, các trường đã tiến hành xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, xây dựng định mức cho việc thanh toán các khối lượng công việc thực hiện trong đào tạo, thực hiện khoán chi đối với các khoản chi hoạt động nghiệp vụ, từ đó xây dựng ý thức trách nhiệm của từng cá nhân trong trường về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thứ năm, các trường ĐHCL đã tiến hành sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn và hiệu quả; chủ động ký kết các hợp đồng lao động phù hợp với khối lượng công việc và khả năng tài chính của trường.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quản lý tài chính trong các trường đại học còn tồn tại một số vấn đề sau:
Thứ nhất, quyền tự chủ của các trường ĐHCL về công tác chuyên môn còn hạn chế. Hầu hết các trường chưa tự chủ trong việc xác định ngành đào tạo, quy mô tuyển sinh, mức học phí... Điều này có ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu học phí, lệ phí của các trường và do đó gây khó khăn cho việc thực hiện tự chủ tài chính của mỗi trường.
Thứ hai, quy chế chi tiêu nội bộ đã được xây dựng và sửa đổi cho phù hợp hơn với thực tế hoạt động của đơn vị nhưng vẫn còn chưa sát, nhiều nội dung và mức chi vẫn còn thiếu hoặc chưa đầy đủ nên khi các cơ quan thanh tra và kiểm toán kiểm tra tình hình tài chính của đơn vị sẽ phải giải trình và có khi sẽ bị xuất toán... Việc nghiên cứu, ban hành quy chế chi tiêu nội bộ thường tập trung vào việc nâng cao thu nhập cho giảng viên, cán bộ, nhân viên; các vấn đề liên quan đến phục vụ đào tạo và nâng cao cơ sở vật chất cho nhà trường chưa được chú trọng.
Thứ ba, các trường ĐHCL chưa huy động được tối đa các nguồn tài chính trong quá trình thực hiện quản lý tài chính tại đơn vị. Hoạt động khoa học là một trong hai hoạt động chính của các trường ĐHCL, tuy nhiên nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học chưa được chú trọng.
Thứ tư, quản lý tài chính tại các trường ĐHCL còn để xảy ra nhiều bất cập trong phân phối các khoản chi và nội dung chi.
Thứ năm, bất cập của cơ chế quản lý tài chính hiện hành đã gián tiếp làm cho một số trường chưa thực sự mặn mà với tự chủ tài chính. Thực tiễn cho thấy, cơ chế tự chủ tài chính hiện hành chưa đảm bảo sự công bằng cho cán bộ viên chức để các trường tham gia thực hiện; chỉ khuyến khích các trường mở rộng quy mô, tăng nguồn thu tài chính mà chưa thực sự gắn với việc nâng cao chất lượng đào tạo.
Thứ sáu, trong cơ chế tự chủ tài chính chưa có chế tài xử lý, gắn trách nhiệm giải trình của các trường và các cơ quan chức năng nhà nước, dẫn tới việc lập và giao dự toán thu sự nghiệp cho các trường thiếu chính xác, không phù hợp với thực tế
Những tồn tại, hạn chế trong quản lý tài chính xuất phát từ nhiều nguyên nhân sau:
Một là, các trường ĐHCL không có đủ nguồn tài chính để bù đắp chi phí đào tạo, đảm bảo chất lượng đào tạo và tái đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo nên phần lớn đều không đáp ứng đủ tiêu chí về cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, do bị khống chế về trần học phí, nên để có thêm nguồn thu, các cơ sở giáo dục ĐHCL buộc phải tăng số lượng và quy mô đào tạo, mở rộng các loại hình đào tạo không chính quy, liên kết đào tạo.
Hai là, thực hiện tự chủ tài chính công tác quản lý tài chính trong các trường đã được lãnh đạo nhà trường có những quan tâm chỉ đạo, song sự kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động tài chính của lãnh đạo chưa thực sâu sát. Các quyết định về tài chính của nhà trường chưa được phân tích, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng gắn với các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của nhà trường trong từng giai đoạn.
Ba là, hiện nay, cơ chế phân bổ nguồn lực ngân sách nhà nước vẫn mang tính chất bình quân giữa các cơ sở giáo dục ĐHCL, chưa gắn với các chất lượng và kết quả đầu ra.
Bốn là, do áp lực tăng thu nhập, nên hầu hết giảng viên đại học đều mong muốn vượt định mức giờ giảng theo quy định. Điều này dẫn đến, việc giảng viên đại học không có thời gian để nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ nghiệp vụ, đổi mới nội dung bài giảng, phương pháp sư phạm... Đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý tài chính
Trên cơ sở những kết quả đạt được, những tồn tại thực tế hiện nay, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính ở các trường như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện bộ quy định quản lý nguồn thu. Quy định quản lý nguồn thu cần được thực hiện theo nguyên tắc minh bạch, trên cơ sở khai thác tối đa các nguồn lực, điều kiện hiện có của nhà trường và các hoạt động liên doanh liên kết. Tận dụng những đổi mới của Nghị định 16/2015/NĐ-CP để huy động tối đa các nguồn lực tài chính cho phép. Đa dạng hóa, các nguồn lực, các kênh và cách thức huy động, đặc biệt chú trọng đến việc huy động nguồn lực tài chính từ hoạt động sự nghiệp đào tạo nghiên cứu khoa học để bù đắp sự giảm sút nguồn từ ngân sách nhà nước.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, trong thời gian tới, các trường phải triển khai: Định hướng tuyển sinh nhiều hơn vào hệ sau đại học, lớp chất lượng cao, liên kết đào tạo quốc tế; Mở rộng và nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; Đa dạng hóa hoạt động dịch vụ phụ trợ nhằm tăng thêm thu nhập; Tăng cường huy động nguồn lực tài chính từ đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ đối với việc phân phối kết quả tài chính cần gắn sự phân phối kết quả tài chính với sự cống hiến của các thành viên, các đơn vị trong nhà trường và hướng vào sự phát triển bền vững lâu dài của nhà trường, đảm bảo những quy định của Nhà nước.
Công tác quản lý quá trình phân phối và sử dụng kết quả tài chính hàng năm của nhà trường cần thực hiện: Xây dựng các tiêu chí đánh giá năng lực và kết quả hoạt động của cán bộ viên chức trong trường dựa trên tính chất từng loại công việc, từ đó đưa ra phương án phân phối và điều chỉnh phương án chi thu nhập tăng thêm cho phù hợp với năng lực; Hoàn thiện và tổ chức thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ; đảm bảo vai trò kiểm soát của Ban thanh tra nhân dân trong nhà trường
Thứ ba, đi liền với việc đổi mới, hoàn thiện cơ cấu phân bổ nguồn lực tài chính, vấn đề quan trọng hiện nay đối với công tác quản lý tài chính tại các trường ĐHCL là không ngừng nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính.
Thứ tư, xây dựng và hoàn thiện một số chính sách khoán và giao quyền tự chủ về tài chính cho các đơn vị có quy mô lớn trong các trường ĐHCL. Cần phải phân cấp tài chính cho các khoa dựa vào số lượng sinh viên của từng khoa. Theo đó các khoa được tự chủ chi tiêu và tự chịu trách nhiệm với các khoản chi tiêu tại đơn vị mình trên cơ sở kế hoạch tài chính đã được duyệt.
Thứ năm, đào tạo nâng cao năng lực quản lý tài chính cho cán bộ quản lý các đơn vị trong trường. Khi thực hiện cơ chế khoán chi cho các đơn vị, đào tạo nâng cao năng lực quản lý tài chính và tập huấn hướng dẫn công tác kế toán - tài chính...
Vũ Thị Minh, Nguyễn Văn Huy – Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2011), Đề án Thí điểm đổi mới thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với một số trường ĐHCL;
2. Bộ Tài chính (2011), Đánh giá tình hình thực hiện tự chủ tài chính và định hướng đổi mới cơ chế tài chính đối với các trường ĐHCL giai đoạn 2012-2020;
3. Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/04/2006 quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;
4. Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục công lập giai đoạn 2014-2017;
5. Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 về quy định cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.