1) Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đào tạo
Thu ngoài ngân sách từ phí và lệ phí chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu sự nghiệp của các trường đại học, các khoản thu hoạt động kinh doanh dịch vụ, liên doanh liên kết, lãi ngân hàng luôn chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng nguồn thu. Vì vậy để tăng các nguồn thu tại các trường, rất cần sự chia sẻ đóng góp từ xã hội, thu hút được các nguồn lực tài chính từ bên ngoài, các đơn vị kinh doanh, các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Vai trò quan trọng của việc huy động các nguồn lực tài chính từ bên ngoài để tăng cường trang bị máy móc, thiết bị hiện đại cho các phòng thí nghiệm, bảo đảm điều kiện nghiên cứu khoa học cần được các trường đại học đặt lên hàng đầu.
Việc mở rộng các phương thức đào tạo không những tăng vị thế của các trường đại học mà còn có tác dụng hỗ trợ cho việc tăng nguồn kinh phí để đáp ứng các khoản chi cho đào tạo, quản lý đào tạo, bổ sung cho quỹ tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng và phúc lợi tập thể. Mở rộng nguồn thu sẽ góp phần làm ổn định tình hình tài chính đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo của nhà trường.
2)Mở rộng liên kết hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, tăng cường hợp tác quốc tế
Liên kết đào tạo, mở rộng các loại hình đào tạo và đặc biệt là đào tạo chất lượng cao; trao đổi giảng viên; mở rộng khả năng hợp tác và đào tạo theo địa chỉ, theo yêu cầu sử dụng của các đơn vị, các tổ chức kinh tế xã hội, vừa bảo đảm yêu cầu về chất lượng, vừa phù hợp với xu thế phát triển đồng thời tăng được nguồn thu cho nhà trường.
Song song với việc mở rộng đào tạo, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, rất cần huy động nguồn vốn nước ngoài cho hoạt động đào tạo của các nhà trường thông qua mối quan hệ hợp tác với các quốc gia, các tổ chức, các trường đại học ở nước ngoài. Các hình thức tài trợ, viện trợ được mở rộng và quy mô tài chính lớn hơn. Đây là một nguồn thu rất đáng kể và cực kỳ quan trọng giúp có nguồn kinh phí cho các chương trình và hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học
Đẩy mạnh công tác giao lưu, hợp tác quốc tế với các tổ chức, các trường đại học danh tiếng trong khu vực và trên thế giới. Thông qua việc giao lưu quốc tế để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giảng viên, tạo cơ hội tiếp cận với tri thức hiện đại, phương pháp đào tạo giảng viên tiên tiến trên thế giới. Đồng thời, liên kết đào tạo du học nước ngoài, có các dự án thu hút nguồn tài trợ hoặc vay vốn. Các nhà trường cần tiếp tục xây dựng tiền đề cho công tác hợp tác quốc tế, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng kế hoạch kinh phí và nội dung hợp tác.
3) Bổ túc kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cho lãnh đạo các nhà trường
Để vận hành tốt các hoạt động của nhà trường, vai trò người đứng đầu rất quan trọng, như đã nêu ở trên, nên năng lực quản lý tài chính của lãnh đạo nhà trường có tính quyết định không chỉ đối với các hoạt động sự nghiệp của nhà trường mà còn đối với mọi hoạt động thu chi để phục vụ cho sự phát triển của nhà trường. Vì vậy, cần thiết phải có những lớp bồi dưỡng về kiến thức quản lý tài chính cho lãnh đạo các nhà trường.
4) Cải cách các thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học công lập trong các hoạt động.
Một số quy định của Nhà nước, bộ chủ quản như: quy định thủ tục ghi thu, ghi chi, quyết toán xây dựng cơ bản hiện nay đối với vốn do các tổ chức, cá nhân, từ các trường đại học nước ngoài viện trợ cho các trường đại học trong nước quá phức tạp, gây khó khăn trong khâu tiếp nhận và sử dụng, quyết toán do phải được phê duyệt, chấp thuận của cả Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính. Vì vậy các ban ngành liên quan, Bộ Tài chính cần kịp thời điều chỉnh các quy định này để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà trường.
Kiến nghị
Nhà nước nên khuyến khích các trường đại học trọng điểm, các trường đại học công lập tự chủ hoàn toàn về kinh phí hoạt động thường xuyên cũng như đầu tư (loại 1 theo Nghị định 16) được quyền tự chủ về mức thu học phí. Đối với các trường đại học công lập còn lại, chính phủ cần xây dựng các khung học phí theo chất lượng đào tạo, các khung học phí này phải tương ứng với các nhóm thứ bậc về chất lượng đào tạo. Kinh nghiệm của các nước về tự chủ đại học cho thấy, trường nào càng huy động được nguồn lực tài chính ngoài ngân sách nhà nước càng lớn, trường đó càng phát triển về chất lượng cũng như mọi hoạt động khác của nhà trường.
Việc Nhà nước có quy định (thể hiện ở Nghị định 16) cho phép các trường được gửi tiền ở các ngân hàng thương mại để tăng thu thêm lãi phục vụ cho hoạt động sự nghiệp của đơn vị. Như vậy, tự chủ tài chính là định hướng cho phát triển hoạt động giáo dục đại của Việt Nam và hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của thời đại.