Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, ước đến 31/3, tổng số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,5 triệu người; BHXH tự nguyện 295.000 người; bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) 12,78 triệu người; bảo hiểm y tế (BHYT) là 83,6 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 88,1% dân số. Nhờ đó, hết tháng 3 toàn ngành thu được 77.100 tỷ đồng, đạt 21,4% kế hoạch, trong đó thu BHXH 53.549 tỷ đồng, thu BHTN 3.723 tỷ đồng, thu BHYT 19.828 tỷ đồng.
Trong 3 tháng đầu năm, toàn ngành cũng đã chi BHXH, BHYT, BHTN là 71.852 tỷ đồng, trong đó chi BHXH từ nguồn ngân sách 10.720 tỷ đồng, từ Quỹ BHXH 37.442 tỷ đồng, chi Quỹ BHTN 2.534 tỷ đồng và ước chi khám chữa bệnh BHYT 21.155 tỷ đồng.
Một trong những nội dung đáng chú ý được đại diện BHXH Việt Nam cho biết, đó là, tổng số nợ BHXH đang gia tăng, diễn ra ở tất cả các tỉnh, thành phố. Thống kê cho thấy, tổng số nợ phải tính lãi đã lên tới 6.654 tỷ đồng.
Lý giải về nguyên nhân, BHXH Việt Nam cho biết, chủ yếu là do tình hình sản xuất của các đơn vị đang gặp khó khăn; một số nơi ý thức chấp hành các quy định đóng BHXH, BHYT, BHTN còn chưa tốt; số lượng đơn vị phá sản, giải thể, mất tích và chủ bỏ trốn còn cao; tình trạng đối phó, trốn tránh, chiếm dụng tiền đóng của người lao động sử dụng vào mục đích khác vẫn xảy ra.
Tuy nhiên, theo BHXH Việt Nam, nợ BHXH, BHYT, BHTN không phải là một con số mà gắn với nó là quyền lợi của người lao động. Việc doanh nghiệp nợ vào những tháng đầu năm rồi đóng vào những tháng cuối năm khiến quyền lợi của nhiều người lao động không được bảo đảm thường xuyên, liên tục.
Để hạn chế gia tăng nợ với quyết tâm nợ thấp hơn năm 2018, ngoài các giải pháp thông thường, từ đầu năm BHXH Việt Nam đã triển khai một số giải pháp. Trong đó, có yêu cầu cán bộ chuyên quản phải thường xuyên đôn đốc doanh nghiệp, lập biên bản nếu nộp muộn, qua 2 lần lập biên bản thì báo cáo để lập đoàn thanh tra xử phạt. Đề xuất thanh tra còn được thực hiện tự động qua phần mềm dữ liệu toàn quốc.
Phần mềm này sẽ cảnh báo các doanh nghiệp nợ quá 3 tháng và đề xuất lập đoàn thanh tra. BHXH Việt Nam cũng tiếp tục công khai danh tính các doanh nghiệp nợ đọng kéo dài trên các phương tiện truyền thông. Biện pháp này đã có hiệu quả với các doanh nghiệp có lợi nhuận nhưng cố tình chây ỳ. Hiện BHXH Việt Nam đang phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để ban hành quy định này.
Theo BHXH Việt Nam, trong quý I/2019, đã có 23 tỉnh, thành phố chuyển hồ sơ 162 doanh nghiệp nợ đọng sang cơ quan điều tra. Tuy nhiên, cho tới nay chưa có vụ nào được đưa ra xét xử. Con số trên gấp hơn 4 lần năm 2018 (chỉ có 38 hồ sơ).
Điểm đáng lưu ý là trong năm 2018, ngay sau khi chuyển sang cơ quan điều tra thì có khoảng một phần ba đơn vị đã trả ngay số tiền nợ BHXH. Việc chưa có trường hợp nào bị xử lý hình sự là bởi chưa có sự thống nhất về quy trình, thủ tục để khởi tố. Hiện BHXH Việt Nam cũng đang phối hợp với cơ quan Tòa án và Viện Kiểm sát để tiến tới ban hành một văn bản hướng dẫn vấn đề này.
Cũng trong quý I/2019, BHXH các tỉnh, thành phố đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 817 đơn vị, thanh tra chuyên ngành đóng tại 371 đơn vị. Ba nội dung chính được thanh tra, kiểm tra là: Đối tượng có hợp đồng lao động, làm việc thực tế nhưng chưa được đóng BHXH; mức đóng với người lao động chưa đóng đủ mức theo tiền lương, công và phụ cấp ghi trong hợp đồng; phương thức đóng.
Việc thanh tra, kiểm tra quyết liệt đã cho thấy hiệu quả khả quan, bởi từ khi có quyết định thanh tra tới khi ký biên bản thì số tiền thu về đạt khoảng 50% số phải thu. Theo kế hoạch, trong năm 2019, BHXH Việt Nam sẽ thanh tra hơn 4.000 đơn vị.