Nguồn kinh phí thực hiện cung ứng sản phẩm, dịch vụ công

Theo Nghị định, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN thực hiện theo các phương thức: Giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu. Còn sản phẩm, dịch vụ công ích thực hiện theo các phương thức: Đặt hàng, đấu thầu (hoặc giao nhiệm vụ trong trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định). Nguồn kinh phí thực hiện cung ứng sản phẩm, dịch vụ công được lấy từ 4 nguồn sau:

Thứ nhất, nguồn kinh phí NSNN chi thường xuyên trong các lĩnh vực sự nghiệp và các hoạt động kinh tế theo quy định của Luật NSNN. Trong đó, kinh phí thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công của các bộ, cơ quan Trung ương từ nguồn ngân sách Trung ương; Kinh phí thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công của địa phương từ nguồn ngân sách địa phương.

Thứ hai, nguồn phí được để lại chi cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo pháp luật về phí và lệ phí.

Thứ ba, nguồn thu dịch vụ sự nghiệp công theo giá dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước định giá.

Thứ tư, nguồn khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

Nghị định số 32/2019/NĐ-CP cũng quy định danh mục sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, gồm: Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN và Danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích.

Trong đó, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN thực hiện theo các phương thức: Giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu. Còn sản phẩm, dịch vụ công ích thực hiện theo các phương thức: Đặt hàng, đấu thầu (hoặc giao nhiệm vụ trong trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định). Điều kiện giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công

Điều kiện giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công

Nghị định quy định cụ thể điều kiện giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN. Theo đó, việc giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN chỉ thực hiện đối với đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan quản lý cấp trên được giao kinh phí cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

Giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN cho đơn vị sự nghiệp công lập khi đáp ứng đồng thời đủ 4 điều kiện sau:

Một là, đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công phù hợp với hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công được giao theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Ngoài ra đối với đơn vị sự nghiệp công lập được giao nhiệm vụ trong lĩnh vực thuộc diện Nhà nước cấp phép hoạt động phải đáp ứng thêm điều kiện phải là đơn vị đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Hai là, đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp có thẩm quyền giao quyền tự chủ tài chính theo cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực;

Ba là, việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công là nhiệm vụ thường xuyên hàng năm của đơn vị, đã và đang được cơ quan quản lý cấp trên giao nhiệm vụ;

Bốn là, danh mục dịch vụ sự nghiệp công chưa xây dựng được định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá, thực hiện theo số lượng, khối lượng, chi phí hợp lý theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều kiện đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công

Theo Nghị định, đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN đối với đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan quản lý cấp trên đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, theo danh mục quy định, khi đáp ứng đồng thời các điều kiện nêu trên; Danh mục dịch vụ sự nghiệp công có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công do cơ quan có thẩm quyền ban hành làm cơ sở để đặt hàng; Điều kiện đặt hàng khác theo quy định của pháp luật liên quan (nếu có).

Về đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN, Nghị định nêu rõ: Căn cứ chức năng và ngành nghề đăng ký kinh doanh phù hợp với dịch vụ sự nghiệp công tham gia đấu thầu; căn cứ quy định của pháp luật chuyên ngành đối với nhà thầu cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực thuộc diện Nhà nước cấp phép hoạt động và các điều kiện tham gia đấu thầu khác theo quy định của pháp luật liên quan (nếu có);

Bên cạnh đó, nhà thầu được tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo danh mục quy định theo 2 hình thức: Đấu thầu rộng rãi cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Điều 20 Luật Đấu thầu, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 16 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP; Hình thức đấu thầu hạn chế cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Điều 21 Luật Đấu thầu.