Thực trạng tự chủ tài chính tại các trường đại học công lập ở Việt Nam

Thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập (ĐHCL) giai đoạn 2014-2017, các trường ĐHCL đã triển khai thí điểm tự chủ tài chính cả chi thường xuyên và chi đầu tư.

Tính đến tháng 10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015-2017 theo Nghị quyết 77/NQ-CP cho 23 cơ sở giáo dục ĐHCL trực thuộc các bộ, ngành trung ương, trong đó 12 trường có thời gian tự chủ trên 2 năm, 3 trường có thời gian tự chủ từ 1-2 năm, 5 trường có thời gian tự chủ dưới 1 năm và 4 trường mới được giao quyết định tự chủ từ tháng 7/2017.

Kết quả thực hiện tự chủ tài chính của các trường cho thấy, phần lớn các trường đã đảm bảo tương đối tốt toàn bộ hoạt động chi thường xuyên, đồng thời thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người học thông qua việc miễn giảm học phí cho các đối tượng chính sách, trích học bổng khuyến khích theo quy định và có chênh lệch thu lớn hơn chi, thu nhập bình quân của người lao động tăng lên so với giai đoạn trước.

Về nguồn thu, tổng nguồn thu các trường có xu hướng tăng lên qua các năm, tuy nhiên cơ cấu nguồn thu chưa có sự thay đổi nhiều giữa giai đoạn trước và sau khi thực hiện tự chủ. Thu sự nghiệp (chủ yếu là thu từ học phí và lệ phí) vẫn chiếm tỷ trọng lớn (trên 70%) và còn phụ thuộc nhiều vào quy mô đào tạo và mức tăng học phí.

Thu từ dịch vụ, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp đồng tư vấn… vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ và có xu hướng giảm trong cơ cấu nguồn thu. Nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) cấp cho các trường chủ yếu là nguồn kinh phí cho các dự án đang triển khai từ trước khi tự chủ, hỗ trợ miễn, giảm học phí đối với sinh viên thuộc đối tượng chính sách.

Về nguồn chi, thực hiện tự chủ đã tạo điều kiện cho các trường chủ động trong quản lý, sử dụng các nguồn tài chính để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học trên cơ sở chấp hành quy chế thu - chi nội bộ của nhà trường và các quy định của Nhà nước.

Sau khi thực hiện tự chủ, cơ cấu chi thay đổi theo hướng tăng chi hoạt động sự nghiệp và giảm chi dịch vụ. Chi sự nghiệp tăng từ 70,6% giai đoạn trước tự chủ (2013-2014) lên 72,4% giai đoạn sau tự chủ (2015-2016) tập trung chủ yếu vào chi cho con người, chi học bổng sinh viên, chi nghiệp vụ chuyên môn, chi mua sắm. Chi từ NSNN cấp vẫn ưu tiên cho các hoạt động đầu tư, xây dựng cơ bản và chi thường xuyên.

Tốc độ tăng thu lớn hơn so với tăng chi, nguồn chênh lệch thu - chi được các trường trích lập các quỹ, đầu tư mua sắm trang thiết bị,chính sách học bổng cho sinh viên, đầu tư hoạt động tư vấn và nghiên cứu khoa học.

Nhìn chung, các chính sách của nhà nước về tự chủ đại học nói chung và tự chủ tài chính nói riêng, thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, các trường chủ động hơn trong khai thác nguồn thu và quản lý chi tiêu, mở rộng và quảng bá Chương trình đào tạo chất lượng cao, liên kết, đào tạo ngắn hạn, dịch vụ tư vấn nhằm nâng cao chất lượng và uy tín để thu hút sinh viên trong và ngoài nước...

Các trường thực hiện thí điểm tự chủ tài chính cũng đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, xây dựng các quy chế, định mức chi tiêu phù hợp hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trên phương diện nguồn thu các trường ĐHCL thực hiện tự chủ tài chính vẫn còn gặp một số vướng mắc sau:

Thứ nhất, nguồn hỗ trợ từ NSNN cấp cho giáo dục đại học (GDĐH) còn hạn chế, cơ chế phân bổ NSNN vẫn mang tính bình quân giữa các trường ĐHCL, chưa gắn với các tiêu chí phản ánh chất lượng và kết quả đầu ra.

Thứ hai, các trường vẫn đang bị hạn chế về chỉ tiêu đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và mức thu học phí, lệ phí theo quy định của Chính phủ. Mức học phí vẫn còn thấp, chưa tương ứng với chi phí đào tạo thực tế của các nhóm ngành và các loại hình đào tạo bậc đại học.

Thứ ba, quy định các trường đại học không được thu khoản lệ phí nào ngoài lệ phí tuyển sinh đại học, cao đẳng theo Luật lệnh phí, lệ phí và nguồn thu này chỉ được chi cho hoạt động phục vụ tuyển sinh đại học, cao đẳng mà không được chi cho hoạt động khác. Các khoản thu từ liên kết đào tạo, đào tạo bằng 2, đào tạo vừa học vừa làm... giảm mạnh trong vài năm gần đây ảnh hưởng lớn tới các khoản thu của nhà trường.

Thứ tư, các nguồn thu khác từ dịch vụ, từ khoa học- công nghệ, viện trợ, hiến tặng cũng còn thấp, trung bình chỉ khoảng 3% tổng nguồn thu hiện nay của các trường ĐHCL ở Việt Nam.

Thứ năm, việc sử dụng tài sản, đất đai để liên doanh, liên kết, việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng và các tổ chức, cá nhân khác nhằm hỗ trợ việc cung cấp dịch vụ GDĐH theo nhu cầu của các đơn vị vẫn còn hạn chế do chưa có văn bản hướng dẫn để tổ chức thực hiện đúng quy định.

Thứ sáu, Nhà nước vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể cho các trường ĐHCL thực hiện thí điểm tự chủ được vay vốn ưu đãi hoặc được hỗ trợ lãi suất để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Giải pháp đa dạng hoá nguồn lực tài chính

Để khai thác hiệu quả các nguồn lực, phát huy huy tính tự chủ tài chính của các trường ĐHCL ở Việt Nam cần triển khai thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đổi mới phương thức phân bổ kinh phí NSNN cho GDĐH. Việt Nam hiện nay lựa chọn mô hình phân bổ NSNN chủ yếu dựa trên yếu tố đầu vào như số lượng sinh viên tuyển sinh, chưa khuyến khích được tính hiệu quả.

Cần có sự chuyển đổi tiêu chí phân bổ dựa trên các yếu tố đầu ra, phản ánh hiệu suất hoạt động của trường đại học như: Số lượng sinh viên, tổng số giờ giảng thực hiện, chất lượng công trình nghiên cứu, số lượng sinh viên tốt nghiệp tìm được công việc liên quan đến chuyên ngành được đào tạo, các kỹ năng chung, sự hài lòng của xã hội…

Thứ hai, đổi mới chính sách tín dụng hỗ trợ đối với sinh viên. Tính hiệu quả của các khoản tín dụng sinh viên phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: lãi suất cho vay, thời hạn trả nợ, khả năng thu hồi… và chi phí quản lý các khoản cho vay. Tuy nhiên, việc chuyển đổi chi phí từ Chính phủ cho sinh viên không phải lúc nào cũng có hiệu quả.

Để nâng cao hiệu quả triển khai các chương trình tín dụng cho sinh viên có thể xem xét một số đề xuất sau:

(i) Quy định nhiều định mức cho vay tương ứng với từng loại sinh viên thay vì một định mức chung như hiện nay (trong đó, có thể cho vay đủ để trang trải cả tiền học phí và sinh hoạt phí);

(ii) Căn cứ quyết định định mức cho vay cần dựa trên đánh giá năng lực tài chính của sinh viên và kết quả học tập;

(iii) Áp dụng hình thức trả nợ theo mô hình tín dụng tùy theo thu nhập và chỉ bắt đầu trả nợ khi sinh viên tốt nghiệp đi làm có mức lương trên ngưỡng tối thiểu; mức trả nợ tỷ lệ với thu nhập hằng tháng;

(iv) Quy định chỉ cho sinh viên học tại các chương trình đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm định đăng ký vay học phí nhằm khuyến khích các trường tham gia kiểm định chất lượng;

(v) Bên cạnh nguồn vốn cho vay với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Nhà nước có thể vận động các tổ chức cùng tham gia Quỹ Hỗ trợ sinh viên. Cần thay đổi nhận thức về Quỹ Tín dụng sinh viên, đây không phải là một hoạt động thương mại mà là một chính sách vĩ mô về đầu tư phát triển. 

Thứ ba, đẩy mạnh chính sách tín dụng hỗ trợ đầu tư phát triển cho các trường ĐHCL. Để tăng tính chủ động trong việc huy động nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, Nhà nước sớm ban hành các chính sách cụ thể hoá nội dung của Nghị định 16/2015/NĐ-CP về cơ chế hỗ trợ các trường ĐHCL thực hiện thí điểm tự chủ tài chính được vay vốn ưu đãi hoặc hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư sử dụng vốn vay của các tổ chức tín dụng theo quy định, hỗ trợ tiếp cận trực tiếp các nguồn vốn ODA, Ngân hàng Thế giới cho đầu tư phát triển của các trường ĐHCL.

Chính phủ cần nghiên cứu, ban hành chính sách tài chính khuyến khích đổi mới cơ chế hoạt động của các trường ĐHCL như: chính sách hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư sử dụng vốn vay, cho vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển, đặc biệt là cơ chế hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho các trường thuộc lĩnh vực đào tạo có khả năng xã hội hoá thấp như khoa học cơ bản, nông lâm…

Thứ tư, khuyến khích các trường ĐHCL tìm kiếm khai thác các nguồn lực ngoài NSNN. Ngoài nguồn kinh phí được phân bổ từ NSNN, các trường ĐHCL cần chủ động tìm kiếm các nguồn lực khác như: học phí, thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học, tư vấn, cung cấp dịch vụ, vay ngân hàng thương mại, phát hành công trái giáo dục, vay ngân hàng phát triển, nhận tài trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước…

Đối với nguồn thu từ học phí, Nghị định 16/2015/NĐ-CP với tinh thần đổi mới chính sách học phí theo hướng mở rộng khung học phí tiến tới đảm bảo chi phí đào tạo là một trong những nội dung quan trọng góp phần đẩy mạnh hoạt động tự chủ tài chính cho các cơ sở GDĐH.

Khi mức hỗ trợ kinh phí từ NSNN giảm dần, các trường thực hiện tự chủ tài chính cần được trao quyền quyết định mức thu học phí cụ thể cho phù hợp với từng ngành học và từng đối tượng người học. Từng bước tăng học phí đối với những chuyên ngành học theo nhu cầu cá nhân, những ngành học có khả năng xã hội hóa cao, để bù đắp đủ chi phí đào tạo (chuyên ngành tài chính, ngân hàng, thương mại…).

Đồng thời, các trường cần thực hiện chính sách hỗ trợ học phí cho đối tượng người có công, đối tượng con hộ nghèo, học sinh dân tộc thiểu số, học sinh diện chính sách, tạo điều kiện cho người học được tiếp cận, lựa chọn ngành học phù hợp với nhu cầu học tập và khả năng chi trả của người học. Chính sách học phí này cũng là công cụ định hướng nghề nghiệp cho người học, tránh tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm, gây lãng phí nguồn lực cho xã hội.

Bên cạnh đó, cần tạo nguồn thu nhập khác từ hợp đồng nghiên cứu, đào tạo với các đối tác kinh doanh; kêu gọi tài trợ, viện trợ, quà biếu tặng, cho của các cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài (thu nhập nhận được từ các quỹ và tổ chức dưới hình thức tài trợ, cấp học bổng hoặc đóng góp của cựu sinh viên), nguồn thu từ hoạt động tài chính hoặc quản lý tài sản (các thử nghiệm tại các phòng thí nghiệm, cho thuê cơ sở vật chất như đất đai, thiết bị, sân bóng, câu lạc bộ...), nguồn thu từ hoạt động vay thương mại hoặc vay từ các nguồn tín dụng ưu đãi của Nhà nước… Như vậy, các trường ĐHCL triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ giúp các trường tự chủ được nguồn lực tài chính, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo các trường phát triển ổn định.    

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ, Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐHCL giai đoạn 2014-2017;

2. Chính phủ, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công;

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Báo cáo kết quả đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ cở giáo dục đại học công lâp giai đoạn 2014-2017;

4. Abd Rahman Ahmad, Ng Kim Soon, Mohd Nazir Mohd Adi, Harris Md Noor, Faculty of Technology Management and Business, Universiti Tun Hussein Onn Malaysia, Funding Higher Education from the Perspective of Developed Country;

5. Brigitte Ecker, Senior researcher, Joanneum research, Austria, the project “european universities Forum for Financial sustainability” (euFFins, no. 2011-3635), Funding Formulas For teaching in public universities: international experiences and lessons drawn From a science policy view.

TS. LÊ THỊ MINH NGỌC - HỌC VIỆN NGÂN HÀNG