Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-BTC về việc tăng cường chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước trong những tháng cuối năm 2020.
Tại Chỉ thị này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng yêu cầu Kho bạc Nhà nước, các Vụ Đầu tư, Hành chính sự nghiệp và các đơn vị có liên quan trong Bộ theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước của các bộ, ngành và địa phương. Từ đó, kịp thời đề xuất giải pháp về tài chính - ngân sách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trình Bộ xem xét, quyết định (đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ) hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định (đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ), qua đó góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới.
Bên cạnh đó, giám sát chặt chẽ tình hình thực hiện chi thường xuyên của các đơn vị sử dụng ngân sách trong những tháng cuối năm 2020; nhất là việc rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi và tiết kiệm triệt để các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết. Quản lý chặt chẽ nguồn kinh phí có được từ cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên (không kể lương và các khoản có tính lương) để đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước và chi cho mục tiêu phòng, chống thiên tai, dịch bệnh theo đúng quy định.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước, đảm bảo đúng chế độ quy định, không gây phiền hà cho đơn vị sử dụng ngân sách. Đồng thời, thực hiện đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn về việc điều chỉnh dự toán và xử lý kinh phí cuối năm.
Kiên quyết cắt giảm dự toán đối với những nhiệm vụ chi thường xuyên đã giao trong dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 của các bộ, cơ quan trung ương (bao gồm cả dự toán được cấp có thẩm quyền giao bổ sung trước ngày 30/9/2020), nhưng đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán chưa thực hiện hoặc chưa chi hết, trừ trường hợp được phép chuyển nguồn sang năm 2021.
Cùng với đó, tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát, tham nhũng.