Tổng cục Thuế vừa tổ chức cuộc họp về việc tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 về hóa đơn, chứng từ. 

Phát biểu tại cuộc họp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2023, Tổng cục Thuế được giao nhiệm vụ báo cáo cấp có thẩm quyền xây dựng nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ (Nghị định số 123).

Với việc chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế, việc ngành thuế triển khai hệ thống hoá đơn điện tử trở thành xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0. Tuy nhiên, sau thời gian triển khai trong thực tiễn có những nội dung mới cần được sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123 cho phù hợp.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu, dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123 phải đảm bảo 5 yêu cầu.

Một là, quy định hóa đơn phải đảm bảo tôn trọng thực tiễn kinh doanh. 

Hai là, phân định rõ trách nhiệm của cơ quan thuế, doanh nghiệp, người nộp thuế và các tổ chức liên quan.

"Phải đặc biệt lưu ý công tác quản lý hóa đơn cần phải trên nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế chấp hành tốt chính sách pháp luật, đồng thời đảm bảo quản lý chặt chẽ với trường hợp cố tình vi phạm".

Ông Mai Xuân Thành, Quyền Tổng cục trưởng.

Ba là, đồng bộ về pháp luật đặc biệt là với pháp luật về kế toán. 

Bốn là, đảm bảo tiếp tục ứng dụng, phát triển được hệ thống hoá đơn điện tử và các ứng dụng sẵn có. 

Năm là, đảm bảo nguyên tắc cải cách thủ tục hành chính.

Nghị định số 123 được đánh giá là có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hoá đơn điện tử và giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội.

Trong đó, việc sử dụng hoá đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy như: giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn, không gian lưu trữ hóa đơn…

Bên cạnh đó, giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế; khắc phục rủi ro làm mất, hỏng, cháy khi sử dụng hóa đơn giấy do hệ thống lưu trữ hoá đơn điện tử được sao lưu nên khả năng mất hoàn toàn dữ liệu hóa đơn là khó xảy ra.

Toàn cảnh cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp.

Cùng với đó, việc sử dụng hoá đơn điện tử tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ. Sau khi nhận hoá đơn điện tử, người mua hàng hóa, dịch vụ có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của cơ quan thuế để biết chính xác thông tin của hóa đơn người bán khai báo với cơ quan thuế và thông tin người bán cung cấp cho người mua.

Việc thực hiện đúng các quy định về hóa đơn, chứng từ của các tổ chức cá nhân sẽ giúp tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế, từ đó, giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được thuận lợi. Cùng với đó, giảm thủ tục hành chính lên quan tới hóa đơn; giảm chi phí liên quan tới việc gửi, bảo quản, lưu trữ hóa đơn và giảm rủi ro về việc mất hóa đơn.

"Việc sử dụng hoá đơn điện tử giúp cơ quan thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, góp phần ngăn chặn kịp thời hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích; ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế", Tổng cục Thuế nhấn mạnh.

Để thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 21/3/2023, Tổng cục Thuế có Phiếu lấy ý kiến số 1292/TCT-CS lấy ý kiến các đơn vị thuộc Bộ Tài chính về dự thảo nghị định. Đồng thời, trong các tháng 3, 4, Tổng cục Thuế triển khai khảo sát thực tế tại các địa phương gồm: Cần Thơ, Hải Dương, TP. Hà Nội, Bình Định để trao đổi, lấy ý kiến về các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung tại dự thảo nghị định và tổng hợp vướng mắc, khó khăn của các địa phương về triển khai hoá đơn điện tử.

Để thống nhất nội dung sửa đổi, bổ sung, ngày 24/7, Bộ Tài chính tổ chức cuộc họp về dự thảo Nghị định. Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ giao Tổng cục Thuế tiếp tục rà soát và hoàn thiện dự thảo nghị định trước khi xin ý kiến bộ, ngành, địa phương.

Tham gia ý kiến góp ý đối với dự thảo nghị định, tập thể, lãnh đạo Tổng cục Thuế và đại diện các đơn vị dự họp thống nhất về sự cần thiết phải ban hành Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ. Đồng thời, tại cuộc họp, đại diện các cục thuế và đơn vị chuyên môn đề nghị cần tập trung vào nêu các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 123 từ đó đưa ra các ý kiến cụ thể đối với các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung các quy định tại dự thảo nghị định.