“Phí” hay “giá”?
Trong Luật Phí và Lệ phí ban hành năm 2015, Phí được định nghĩa là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm bù đắp chi phí cho các dịch vụ công được cung cấp bởi các cơ quan nhà nước hay đơn vị sự nghiệp công lập hoặc tổ chức được nhà nước giao thẩm quyền thực hiện. Trong danh mục các loại phí/lệ phí, không có giáo dục và y tế. Thậm chí trong danh mục các loại sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do nhà nước định giá, cũng không có giáo dục và y tế.
Điều này có nghĩa là giáo dục được đẩy vào khu vực thị trường hoàn toàn, và chịu sự chi phối của Luật Giá ban hành năm 2012, trong đó Giá thị trường được định nghĩa là “giá hàng hóa, dịch vụ hình thành do các nhân tố chi phối và vận động của thị trường”. Lưu ý là giáo dục ở đây bao gồm cả mầm non, phổ thông, đào tạo nghề và đại học.
Tuy vậy, giáo dục cũng không được đề cập rõ ràng trong Luật Giá. Trong bộ luật này, giáo dục có thể được xem là thuộc loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá vì đó là “dịch vụ công ích/ dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước” (Điểm c, Khoản 1, Điều 19). Nhà nước định giá các sản phẩm, dịch vụ này trên nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường; điều chỉnh kịp thời khi các yếu tố hình thành giá thay đổi. Căn cứ định giá là giá thành, chất lượng, mức lợi nhuận, quan hệ cung cầu, khả năng thanh toán của người tiêu dùng, cũng như giá thị trường trong và ngoài nước (Điều 20, 21).
Ý nghĩa của việc đưa giáo dục ra khỏi Luật Phí và Lệ phí, và chỉ đề cập đến giáo dục một cách mập mờ trong Luật Giá, là rất rõ ràng: chấm dứt bao cấp từ nguồn ngân sách. Bởi vì theo Luật Giá, kể cả với các trường công có sử dụng ngân sách, nhà nước cũng sẽ định giá dịch vụ giáo dục theo nguyên tắc thị trường: bù đắp đủ chi phí và có lợi nhuận phù hợp. Theo cách đó, Nhà nước bước hẳn vào khu vực thị trường trong lĩnh vực giáo dục và đóng một vai trong đó tương tự như các nhà cung cấp sản phẩm/dịch vụ khác.
Một mặt, ai cũng thấy giáo dục đang thực sự là một thị trường khổng lồ với số lượng khách hàng các ngành khác nằm mơ cũng không có. Dù là giàu hay nghèo, khó có ai tránh khỏi phải sử dụng dịch vụ giáo dục. Vì là một thị trường, nó cũng vận hành như những thị trường khác: có cạnh tranh, có lợi nhuận, có nhóm lợi ích, có người làm chủ, người làm thuê, có quy luật cung cầu, v.v. Nhưng từ bỏ vai trò can thiệp của Nhà nước, biến nó thành một thị trường tự do thuần túy, thì lại là một bước đi hầu như chưa có tiền lệ trên thế giới.
Phép lạ thị trường không xảy ra trong giáo dục
Cơ chế thị trường đã và đang chứng minh ưu điểm của nó trong việc phát triển kinh tế. Nhưng tại sao “phép lạ” đó không xảy ra cho giáo dục, thậm chí còn ngược lại? Tại sao có đến 90% quốc gia trên thế giới đang bao cấp cho giáo dục tiểu học và coi giáo dục tiểu học là bắt buộc? Với giáo dục trung học, một số nước có thu học phí. Những nước này mặc dù có các trường tư hoạt động theo đúng cơ chế thị trường và đáp ứng những nhu cầu đa dạng của người học, nhưng ở cấp phổ thông, trường công vẫn là chủ yếu. Tất nhiên có lý do nhân đạo: một đứa trẻ sinh ra trong gia đình nghèo khó không phải là lỗi của nó, nó vẫn có quyền đi học. Nhưng quan trọng hơn là tác động của giáo dục đối với sự phát triển của cả xã hội. Thêm một nhà trường là bớt một nhà tù. Mọi đứa trẻ đều có tiềm năng trở thành mối nguy cho xã hội hoặc thiên tài trong tương lai. Một xã hội không bảo đảm được quyền đi học cho mọi trẻ em sẽ phải trả giá rất đắt về sau – điều này rõ rệt đến mức hầu như tất cả ở các nước chính phủ đều tài trợ cho giáo dục tiểu học.
Đối với giáo dục đại học (GDĐH), vấn đề có khác. Nhiều nước tập trung ngân sách cho giáo dục phổ thông và để khu vực tư chi phối mạnh mẽ giáo dục đại học, bởi vì quan điểm coi đây là một dịch vụ ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới, do tính chất giao nhau giữa “hàng hóa công” và “lợi ích tư”: một người tốt nghiệp ĐH có cơ may kiếm được việc tốt và nhiều tiền hơn so với những người không học ĐH. GDĐH thực sự là một khoản đầu tư đầy hứa hẹn đối với mỗi cá nhân. Trong khi đó, với tình hình đại chúng hóa, việc bao cấp cho GDĐH trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước đến nỗi ngay cả những nước xưa nay có truyền thống tài trợ mạnh mẽ cho đại học, nay cũng phải chuyển sang tăng học phí để bù đắp chi phí, như trường hợp Vương quốc Anh. Tăng học phí ĐH ở Việt Nam cũng ở trong xu thế chung đó, đặc biệt là vì học phí chính thức bậc ĐH ở Việt Nam đã được giữ ở mức thấp quá lâu trong hệ thống ĐH công. Vì thế, điều chỉnh mức học phí ĐH để có nguồn tài chính cho phát triển chất lượng là điều không thể tránh khỏi.
Điều gì sẽ xảy ra nếu ‘tính đúng, tính đủ’ đối với GDĐH?
Vấn đề là, điều chỉnh tăng mức học phí ở các trường công không nhất thiết có nghĩa là tính đủ, tính đúng dựa trên chi phí và lợi nhuận tích lũy. Bởi như thế có nghĩa là biến trường công thành trường tư và từ bỏ hoàn toàn trách nhiệm của Nhà nước, một điều không có nước nào làm.
GDĐH ở khía cạnh là lợi ích công (giáo dục tinh thần công dân, đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, cho một số lĩnh vực trong khoa học xã hội, v.v.) mà người hưởng lợi là cả xã hội, sẽ không mang lại lợi nhuận cho người đầu tư, vì thế thị trường không có động lực để làm. Giao phó GDĐH hoàn toàn cho thị trường, tức là cho những tổ chức/cá nhân hoạt động trên cơ sở tìm kiếm lợi nhuận, xã hội sẽ thiếu hụt những thứ đó.
Mặt khác, cạnh tranh là nguyên tắc sống còn của thị trường tự do. Cạnh tranh trong GDĐH không phải bao giờ cũng mang lại kết quả tích cực, là vì sản phẩm đích thực của GDĐH như năng lực công dân, trình độ tư duy độc lập, khả năng sáng tạo, tinh thần khoan dung, trách nhiệm xã hội, v.v là những thứ không dễ đo lường, và không “thu hút” như “khả năng kiếm được việc làm”, “khả năng làm giàu”. Điều này sẽ dẫn đến chỗ các trường ĐH tập trung cho những nhu cầu trước mắt và ngắn hạn của người học, khiến vai trò của trường ĐH như là một cột trụ tinh thần và lưu truyền những giá trị văn hóa của nhân loại từ đời này sang đời khác sẽ bị xói mòn.
Cạnh tranh theo nguyên tắc thị trường còn làm tăng chi phí của các trường khiến học phí ĐH ngày càng tăng một cách bất hợp lý. ĐH Phoenix đã từng chi kinh phí cho quảng cáo ngang với hãng Apple để thu hút người học. Chi phí quảng cáo ấy nếu dùng cho hoạt động đào tạo thì có lợi cho người học và cho xã hội hơn nhiều.
Việc tính đúng, tính đủ chi phí và có tích lũy, có lợi nhuận là việc các trường ĐH tư đã làm từ lâu trên thế giới. Ở Việt Nam chưa có những trường tư dựa trên nguồn hiến tặng và thuộc sở hữu cộng đồng, tức là dựa trên nguồn vốn xã hội, mà tất cả đều đang dựa trên nguồn vốn tư nhân, tức là đang hoạt động như một doanh nghiệp, nói nôm na là theo quy luật thị trường, lời ăn lỗ chịu. Giới kinh tế học trên thế giới thừa nhận giáo dục là một ví dụ minh họa tốt nhất cho những thất bại của thị trường và là thị trường đặc biệt cần có sự can thiệp của nhà nước. Chính vì vậy, cần phải có các trường ĐH công để bù đắp cho những thất bại và khiếm khuyết ấy của thị trường.
Thị trường hóa là cách tiếp cận tích cực trong phát triển kinh tế, nhưng giáo dục lại là lĩnh vực các nguyên tắc thị trường có thể gây ra tổn hại cho lợi ích công, cho bình đẳng xã hội, và về lâu dài là tạo ra nguồn nhân lực chất lượng thấp cũng như bất ổn xã hội. Đẩy giáo dục vào khu vực thị trường thuần túy có thể làm giảm nhẹ gánh nặng ngân sách trước mắt, nhưng hậu quả của nó sẽ phải cần nhiều thế hệ để sửa chữa.
Phạm Thị Ly (2018)
(Bài đăng báo Tia Sáng ngày 09.06.2018)