Cơ chế quản lý tài chính giáo dục đại học công lập

Đại học công lập (ĐHCL) là trường đại học do nhà nước đầu tư về kinh phí và cơ sở vật chất và hoạt động chủ yếu bằng kinh phí từ các nguồn tài chính hoặc các khoản đóng góp phi vụ lợi. Do đó, cơ chế quản lý tài chính của ĐHCL bên cạnh phục vụ mục tiêu kinh tế - tài chính còn phục vụ mục tiêu xã hội của ĐHCL. Đây là một trong những điểm cần chú ý đối với việc nghiên cứu về cơ chế quản lý tài chính giáo dục ĐHCL ở nước ta. Nếu các đại học tư nhân được tự chủ về nguồn thu, chi và tập trung vào kinh doanh và tối đa hoá lợi nhuận của họ thì các ĐHCL phải cân đối hài hoà giữa nhiệm vụ kinh tế và nhiệm vụ xã hội. Điều này cũng đặt ra một giới hạn nhất định đối với thiết lập cơ chế quản lý tài chính giáo dục ĐHCL. Sự ràng buộc đó đối với giáo dục ĐHCL khiến cho hàm mục tiêu tài chính của ĐHCL trở nên khó khăn hơn trong việc tiến đến điểm tối ưu.

Cơ chế quản lý tài chính của ĐHCL đứng trước hai thách thức. Thứ nhất là sự giới hạn về ngân sách và thứ hai là nhu cầu ngày càng cao từ phía người học. Việc nâng cao chất lượng cơ sở vật chất và bài giảng cũng như các dịch vụ giáo dục khác buộc ĐHCL phải đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng. Đầu tư cơ sở hạ tầng cần nhu cầu nguồn vốn lớn, điều này rất khó khăn đối với ĐHCL trong điều kiện ràng buộc ngân sách chặt chẽ. Những quy trình, thủ tục nhà nước về huy động và sử dụng nguồn vốn từ NSNN trong phát triển ĐHCL nếu thông thoáng và cởi mở sẽ thúc đẩy ĐHCL phát triển, ngược lại sẽ kìm hãm hệ thống này mở rộng.

 

ảnh 1

Khi bàn về cơ chế tài chính của ĐHCL chúng ta không dừng lại ở những khoản thu chi mà cần nhìn vào nhiệm vụ. Nhiệm vụ chủ đạo của chúng nằm ở những giá trị vô hình về hệ thống kiến thức của người học và những đóng góp vào quá trình phát triển. Cơ chếquản lýtài chính giáo dục đại học (GDĐH) được hiểu làmột tập hợp các phương pháp, công cụquản lýtài chính tuân theo hệthống pháp luật hiện hành nhằm thực hiện mục tiêu tài chính vàphi tài chính của đại học. Cơ chếquản lýtài chính, do đó, được xây dựng đơn giản hay phức tạp tùy thuộc vào quy mô của trường đại học.

Nội dung cơ bản của cơ chế quản lý tài chính giáo dục đại học công lập

Trên cơ sở hoạt động tài chính trong GDĐH công lập gắn liền với hoạt động của nhà trường có thể hình dung cơ chế quản lý tài chính của GDĐH với quan niệm là phương thức điều hành bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, cơ chế phân cấp quản lý ngân sách GDĐH.

- Giáo dục và đào tạo (GDĐT) là sự nghiệp của toàn dân, trong đó nhà nước đóng vai trò quan trọng. Tuỳ theo quy mô và tiềm lực của NSNN, hàng năm NSNN dành một tỷ lệ nhất định chi cho giáo dục, trong đó có GDĐH. Trước thời kỳ đổi mới, phần NSNN dành cho GDĐH chủ yếu được quản lý tập trung do Bộ Tài chính trực tiếp quản lý. Từ sau đổi mới đất nước đến nay, do GDĐH có quy mô ngày càng mở rộng, tổ chức GDĐH đa dạng, có trường trực thuộc trực tiếp Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, có trường đại học do các bộ chuyên ngành quản lý. Do đó, phần NSNN dành cho GDĐH được tập trung quản lý theo những mô hình khác nhau. Đối với những trường ĐHCL do Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý, thì phần vốn NSNN dành cho các trường này do Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý. Đối với các trường do các bộ chuyên ngành quản lý thì nguồn vốn NSNN dành cho các trường này do Bộ chuyên ngành quản lý. Tuy nhiên, đứng trên phương diện về quản lý hoạt động GDĐH về quy mô, chất lượng, chương trình, chế độ bằng cấp thì do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. Do đó, việc tổ chức lập dự toán NSNN cho hoạt động GDĐH do Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp chỉ đạo. Có thể hình dung quá trình lập và phân bổ dự toán theo mô hình như sau:

Quá trình lập dự toán ngân sách và phân bổ dự toán đã khái quát theo mô hình kể trên, cho thấy việc phân cấp quản lý ngân sách cho lĩnh vực GDĐH được thực hiện bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ chuyên ngành. Tuy nhiên Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn có trách nhiệm chính. Cơ chế phân cấp quản lý ngân sách GDĐH như vậy là thích hợp với mô hình đào tạo đại học hiện nay ở nước ta. Song về lâu dài để thống nhất quản lý GDĐH về một mối, phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính, nhằm nâng cao chất lượng GDĐH của đất nước thì nên chuyển toàn bộ các trường đại học thuộc các Bộ chuyên ngành về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.

Trên cơ sở đó, việc quản lý ngân sách của GDĐH do Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp và cơ chế phân cấp quản lý ngân sách cho các trường do Bộ quyết định sao cho vừa đảm bảo yêu cầu hoạt động của nhà trường, vừa đảm bảo được yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả giữ vững được kỷ cương, kỷ luật tài chính.

Thứ hai, cơ chế quản lý quá trình huy động nguồn lực tài chính ngoài NSNN cho GDĐH.

Trong điều kiện hiện nay, việc huy động nguồn lực tài chính ngoài NSNN cho sự nghiệp giáo dục nói chung và GDĐH nói riêng còn mang ý nghĩa là nâng cao trách nhiệm của xã hội đối với sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

Phương thức điều hành quá trình huy động nguồn lực, yêu cầu của cơ chế quản lý quá trình huy động nguồn lực tài chính ngoài NSNN là phải phù hợp với khả năng đóng góp của xã hội, đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch, bình đẳng, công bằng về mặt xã hội. Để đảm bảo yêu cầu này, nội dung của cơ chế quản lý quá trình huy động nguồn lực tài chính ngoài NSNN phải được xem xét trên các khía cạnh sau đây:

- Xem xét đến khía cạnh thiết lập mức động viên. Mức động viên nguồn lực tài chính ngoài NSNN cho sự nghiệp GDĐH chịu sự chi phối bởi các nhân tố sau đây:

+ Mức thu nhập bình quân của xã hội nói chung, mức thu nhập của người hưởng thụ các dịch vụ GDĐH nói riêng.

+ Chi phí cho việc cung cấp các dịch vụ GDĐH.

+ Những lợi ích thực tế mang lại cho người thụ hưởng dịch vụ GDĐH.

Dựa trên những nhân tố đó để tính toán mức động viên thích hợp.

- Lựa chọn phương thức động viên và lĩnh vực động viên. Trong thực tế có nhiều phương thức và lĩnh vực động viên nguồn lực tài chính ngoài NSNN cho GDĐH có thể động viên qua phương thức thu học phí, qua các khoản thu từ hoạt động NCKH, tư vấn, cung cấp dịch vụ, qua hình thức vay ngân hàng thương mại, ngân hàng phát triển. Nói chung, để có nguồn lực tài chính phục vụ cho sự nghiệp GDĐH trong bối cảnh hiện nay cần phải sử dụng tổng hợp các phương thức và lĩnh vực động viên. Tuy nhiên, căn cứ vào sự phân tích, so sánh giữa mặt ưu việt và mặt hạn chế của từng phương thức và lĩnh vực động viên để xác định trọng tâm sử dụng phương thức và lĩnh vực động viên. Ưu điểm của phương thức thu học phí của người học là gắn trách nhiệm của người học với quá trình đào tạo của nhà trường, phù hợp với nguyên lý người nào được hưởng lợi trực tiếp từ việc cung cấp dịch vụ đào tạo thì phải trả tiền. Hạn chế của phương thức này nguồn thu nhập của người học có hạn lại không đồng đều, để đảm bảo yêu cầu công bằng xã hội, tất yếu phải hình thành nhiều mức học phí, căn cứ vào mức thu nhập của người học. Khó khăn khi quy định nhiều mức học phí là việc điều tra nắm được mức thu nhập của người học trong điều kiện nền kinh tế tiền mặt.

Phương thức động viên thu hút nguồn lực tài chính của GDĐH thông qua việc tập trung một phần thu nhập do hoạt động NCKH, tư vấn, cung cấp dịch vụ có ưu điểm là khuyến khích thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, tư vấn - một loại hoạt động mang tầm của GDĐH. Tuy nhiên, để có nguồn tài chính từ hoạt động này cần phải đầu tư ban đầu.

Phương thức động viên nguồn lực tài chính bằng hình thức vay có ưu điểm là tạo ra sự ràng buộc đòi hỏi phải sử dụng nguồn vay có hiệu quả. Tuy nhiên, hoạt động GDĐH không phải không có rủi ro, nhất là hoạt động NCKH và cung cấp dịch vụ. Do đó, có thể dẫn đến khả năng trả nợ gặp nhiều khó khăn.

Từ sự phân tích trên cho thấy, việc nghiên cứu, cân nhắc chọn lựa các phương thức điều hành, huy động nguồn lực tài chính cho hoạt động GDĐH là hết sức cần thiết.

Thứ ba, cơ chế quản lý các khoản chi cho GDĐH.

Cơ chế quản lý các khoản chi cho GDĐH là phương thức điều hành các khoản chi. Phương thức điều hành các khoản chi cho GDĐH phụ thuộc vào:

- Nội dung chi cho GDĐH: Tùy theo chức năng nhiệm vụ của GDĐH trong từng giai đoạn mà cơ cấu, tỷ trọng các khoản chi có khác nhau. Trong các trường đại học hiện nay, xu hướng chung là ưu tiên các khoản chi cho việc nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ.

- Cơ cấu, tỷ trọng các nguồn lực tài chính huy động được trong GDĐH: Trong xu hướng chung với việc thực hiện chủ trương xã hội hoá GDĐH thì nguồn lực tài chính ngoài NSNN ngày càng chiếm tỷ trọng lớn. Vì vậy, phương thức điều hành các khoản chi cũng có những thay đổi căn bản về mức chi, cơ cấu chi và thẩm quyền quyết định các khoản chi.

- Cơ chế, chính sách, chế độ quản lý tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập: Trong điều kiện cải cách mạnh mẽ tài chính theo xu hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập, hướng việc quản lý tài chính theo kết quả đầu ra, thì phương thức điều hành các khoản chi cho GDĐH cũng có những thay đổi căn bản, lấy hiệu quả làm chính, không cứng nhắc theo nguyên tắc các khoản chi phục vụ cho hoạt động nào thì không thay đổi trong suốt thời gian chấp hành dự toán.

- Chủ trương cải cách GDĐH: Là nhân tố quyết định đến mức chi, cơ cấu chi của GDĐH nhằm làm cho dự án, kế hoạch cải cách đổi mới GDĐH trở thành hiện thực. Từ đó quyết định đến phương thức điều hành các khoản chi cho GDĐH.

Tóm lại, có nhiều nhân tố tác động đến việc hình thành cơ chế quản lý các khoản chi cho GDĐH. Nội hàm của cơ chế quản lý chi GDĐH bao gồm:

- Xác lập dự toán chi. Theo truyền thống dự toán chi được xác lập hàng năm căn cứ vào nguồn thu động viên được, vào nhiệm vụ hoạt động của nhà trường dự kiến trong năm kế hoạch và các chính sách, chế độ hiện hành của nhà nước liên quan đến hoạt động tài chính của nhà trường. Như phần trên đã đề cập trong xu hướng cải cách tài chính công, dự toán chi phải có tầm nhìn dài hơi gọi là kế hoạch chi trung hạn.

- Tổ chức phương thức điều hành các khoản chi theo dự toán. Nói cách khác là tổ chức quá trình chấp hành dự toán công tác quản lý chi cho GDĐH trong quá trình chấp hành dự toán bao gồm việc dự kiến kế hoạch chi hàng quý, hàng tháng; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ; tổ chức các biện pháp chi thích hợp với hoạt động của nhà trường; thực hiện các mối quan hệ với bên ngoài nhất là quan hệ với Kho bạc Nhà nước và cơ quan tài chính. Cùng với công việc trên trong quản lý các khoản chi cho GDĐH phải tiến hành thường xuyên phân tích, đánh giá, kiểm soát đảm bảo cân đối giữa thu - chi.

Trong quá trình quản lý các khoản chi chú trọng đến việc lập thứ tự ưu tiên chi. Đây là một trong những nội dung quan trọng của cơ chế quản lý chi cho GDĐH, bởi lẽ trong thực tế nhu cầu chi thì lớn, song khả năng đảm bảo nguồn tài chính có hạn.

Tóm lại, với tư cách là phương thức điều hành các khoản chi, cơ chế quản lý chi cho GDĐH chịu sự chi phối bởi nhiều nhân tố, cần thiết phải xem xét để định hình nội dung của cơ chế quản lý chi. Tuỳ theo mức độ, cơ cấu các khoản chi mà cơ chế quản lý chi cho GDĐH được hình thành với những nội dung thích hợp. Tư tưởng chỉ đạo chung của cơ chế quản lý các khoản chi cho GDĐH là nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quản lý tài chính của các trường đại học công lập.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 7 - 2013