CDIO là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Conceive – Design – Implement – Operate, có nghĩa là: hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành, khởi nguồn từ Viện Công nghệ MIT (Hoa Kỳ). Cho đến nay, mô hình này được các trường ĐH, CĐ trên thế giới áp dụng ngày càng nhiều. Về bản chất, CDIO là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội (XH) trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra, từ đó thiết kế chương trình và kế hoạch đào tạo. Quy trình này được xây dựng một cách khoa học, hợp lý, logic, có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau
CDIO hiện được xem như là một sáng kiến mới cho giáo dục, một hệ thống phương pháp, hình thức tích lũy kiến thức, kỹ năng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo đại học nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, xã hội. Trong bài viết này, tác giả muốn giới thiệu với bạn đọc phương pháp CDIO như là một xu hướng của việc giảng dạy hiện đại (bài viết có tham khảo tài liệu của PGS,TS. Võ Văn Thắng)
2. Bản chất của CDIO
Gốc của CDIO là một hệ thống phương pháp phát triển chương trình đào tạo kỹ sư, nhưng về bản chất thì đây là một quy trình đào tạo căn cứ vào chuẩn đầu ra (outcome-based) để thiết kế chuẩn đầu vào. Quy trình này được xây dựng đảm bảo tính khoa học và tính thực tiễn chặt chẽ.
Về tổng thể, CDIO có thể áp dụng để xây dựng quy trình chuẩn cho nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau ngoài ngành đào tạo kỹ sư, bởi lẽ nó đảm bảo khung kiến thức và kỹ năng, chẳng hạn áp dụng cho khối ngành kinh tế, quản trị kinh doanh,… Cho nên, có thể nói, CDIO thực chất là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội, trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra, từ đó thiết kế chương trình và kế hoạch đào tạo một cách hiệu quả.
Mục tiêu đào tạo theo CDIO là hướng tới việc giúp SV có được kỹ năng cứng và mềm cần thiết khi ra trường, nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của XH cũng như bắt nhịp được với những thay đổi vốn rất nhanh của thực tiễn đời sống XH. Những sinh viên giỏi có thể làm chủ, điều chỉnh phương pháp học theo hướng tích cực.
3. Đặc điểm nổi bật của phương pháp đào tạo theo CDIO
Học tập tích hợp và trải nghiệm chủ động
Theo cách tiếp cận CDIO, SV sẽ học các kĩ năng cá nhân, kỹ năng giao tiếp, các kĩ năng kiến tạo sản phẩm, xây dựng quy trình và hệ thống cùng với kiến thức chuyên ngành trong chương trình đào tạo thực hành chuyên nghiệp. Người ta gọi đó là học tập tích hợp, học tập tích hợp có ưu điểm là cho phép SV sử dụng kép thời gian để vừa học kiến thức, vừa học kĩ năng ứng dụng chuyên ngành.
Nhưng để có thể sử dụng công dụng kép của thời gian học tập, điều quan trọng là phải có được phương pháp giảng dạy và học tập mới. Làm sao tận dụng được tối ưu thời gian nhưng không làm nặng thêm về mặt chương trình lí thuyết mới vốn đã dày đặc trong nội dung? Đây là một vấn đề nan giải. Hiện nay tại Cao Đẳng Việt Mỹ, chương trình giảng dạy và học tập dựa trên các phương pháp học chủ động và trải nghiệm cũng là một giải pháp cho vấn đề trên.
Theo TS Đỗ Thế Hưng, các trải nghiệm học tập tích hợp theo mô hình CDIO đưa đến sự tiếp thu các kiến thức chuyên ngành, cũng như các kĩ năng cá nhân và giao tiếp và các kĩ năng kiến tạo sản phẩm, quy trình, hệ thống. Đây là những phương pháp sư phạm thúc đẩy việc học tập kiến thức chuyên ngành đồng thời với việc học các kĩ năng cá nhân và giao tiếp, và các kĩ năng kiến tạo sản phẩm, quy trình và hệ thống.
Chúng kết hợp các vấn đề kĩ thuật nghề nghiệp thực tế vào trong các bối cảnh mà trong đó chúng tồn tại với các vấn đề chuyên ngành. Ví dụ, các SV có thể xem xét sự phân tích của một sản phẩm, thiết kế của sản phẩm, trách nhiệm xã hội của người thiết kế ra sản phẩm đó, tất cả trong một bài tập. Các đối tác doanh nghiệp, cựu SV, và các bên liên quan chính yếu khác thường rất hữu ích trong việc đưa ra các ví dụ cho những bài tập này.
Giảng dạy và học tập dựa trên các phương pháp học tập trải nghiệm chủ động theo mô hình CDIO gồm các phương pháp thu hút sự tham gia của SV một cách trực tiếp vào các hoạt động tư duy và giải quyết vấn đề.
Cung cấp nguồn nhân lực có kỹ năng cao
Đào tạo theo mô hình CDIO giúp gắn kết được khả năng làm việc của sinh viên với yêu cầu của người tuyển dụng, từ đó thu hẹp khoảng cách giữa việc đào tạo của nhà trường và yêu cầu của nhà sử dụng nguồn nhân lực; giúp người học phát triển toàn diện với các “kỹ năng cứng” và “kỹ năng mềm” để nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc luôn thay đổi và thậm chí là đi đầu trong việc thay đổi đó; giúp các chương trình đào tạo được xây dựng và thiết kế theo một quy trình chuẩn; các công đoạn quá trình đào tạo có tính liên thông và gắn kết khoa học chặt chẽ; gắn phát triển chương trình đào tạo với chuyển tải và đánh giá hiệu quả giáo dục đại học (GDĐH), góp phần nâng cao chất lượng GDĐH.
4. Tổng kết:
CDIO không chỉ cung cấp một chuẩn đầu ra mà còn là một hướng dẫn rõ ràng về đào tạo, quản lý GD như: phương pháp lãnh đạo, quản lý GDĐH, phát triển đội ngũ giảng viên với chuyên môn sâu, gắn chặt doanh nghiệp với cơ sở GDĐH, phương pháp học tập dựa trên dự án, nhóm, cải cách chương trình khung, cung cấp kỹ năng giao tiếp không chính thức, học tập dựa trên kinh nghiệm và chủ động, thiết kế chương trình đào tạo, môi trường học tập, cách kiểm tra, đánh giá, quốc tế hóa GDĐH… Do vậy, có thể nói, CDIO rất hữu ích trong việc triển khai chương trình đào tạo hiệu quả, là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng GDĐH.