Đầu tư trúng, đúngcó trọng tâm, trọng điểm

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý, để thực hiện thành công các nhiệm vụ lớn về giáo dục và đào tạo mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã giao phó, một trong những công tác mà Bộ phải làm tốt là công tác tài chính, quản lý đầu tư công, đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất.

Công tác này cần phải được nhìn nhận trong bối cảnh rộng lớn, tổng thể của ngành để có phương hướng, kế hoạch và giải pháp phù hợp. Trong kế hoạch từ 5 đến 10 năm tới, nếu muốn nền giáo dục và đào tạo thực sự phát triển, chúng ta cần phải có những chuyển biến quan trọng trong chính hoạt động quản lý, điều hành và triển khai mảng công tác này.

Bộ trưởng khẳng định, phải gia tăng tổng đầu tư cho Giáo dục bằng nhiều cách mới có thể làm nhiều việc cùng một lúc trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, học phí có hạn. Bao gồm, thuyết phục Chính phủ, các ban, bộ ngành liên quan, chính quyền địa phương các cấp có ưu tiên đầu tư thích đáng, cùng với các nguồn lực huy động từ nguồn xã hội hóa trong nước và quốc tế.


Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị

Điều quan trọng, kế hoạch đầu tư tài chính phải trúng, đúng mục tiêu và có trọng tâm, trọng điểm. “Đầu tư làm sao để gia tăng giá trị sử dụng, tính lan tỏa. Chúng ta đang giải bài toán hóc búa và cần hết sức cân nhắc, xem xét”, Bộ trưởng lưu ý.

Về các nội dung cụ thể của hội nghị, Bộ trưởng cho rằng, cần cân nhắc đến tốc độ giải ngân, triển khai giải ngân đúng pháp luật, đúng quy định của ngành, phù hợp điều kiện thực tiễn từng địa phương, cơ sở giáo dục, tránh rủi ro đáng tiếc. Đặc biệt, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, và các yếu tố công khai, minh bạch là định hướng trong những năm tới.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về gia tăng phân cấp, phân quyền trong bộ máy tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, lãnh đạo Bộ sẽ chỉ đạo rà soát quy chế hoạt động, tăng cường uỷ quyền, phân cấp theo đúng quy định, trên tinh thần “việc đáng làm, cần làm, có thể làm là phải thực hiện”. Điều này vừa là đổi mới trong quản lý, vừa tháo gỡ vướng mắc. Lãnh đạo cơ sở được gắn trách nhiệm cao nhất là động lực để xử lý các vấn đề nhanh hơn, chất lượng hơn.

Nhìn chung việc giải ngân của ngành đạt mức độ trung bình, có một vài nhóm khá nhưng chưa đồng đều. Với những vấn đề chung còn tồn tại, vướng mắc, Bộ trưởng chỉ đạo cần có các chuyên đề cụ thể để bàn giải pháp xử lý, khai thông.

Chỉ đạo sát, chế tài nghiêm

Báo cáo tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (KHTC) Trần Tú Khánh cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư năm 2020 của Bộ GDĐT thuộc nhóm bình quân của các bộ, ngành. Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại, Vụ KHTC phân tích rõ từng nguyên nhân chủ quan, khách quan để khắc phục trong thời gian tới.


Vụ trưởng Vụ Kế
 hoạch - Tài chính (KHTC) Trần Tú Khánh báo cáo tại Hội nghị

Về kế hoạch giải ngân năm 2021 và kế hoạch trung hạn 2021-2025, Bộ đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị, dự án triển khai kế hoạch, nội dung chỉ đạo tập trung vào một số hạn chế, tồn tại trong năm 2019, 2020, quán triệt các nội dung về công tác lập kế hoạch, chỉ đạo cam kết giải ngân theo từng quý, biện pháp chế tài...

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được đề xuất, tuy nhiên, Bộ đề nghị các đơn vị đẩy mạnh các giải pháp tăng thu, tiết kiệm chi, huy động xã hội hóa, gia tăng các nguồn lực khác, tránh trông chờ để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Vụ KHTC cũng mong muốn các cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm chia sẻ với người dân trong việc không tăng học phí trong năm nay, có lộ trình tăng học phí hợp lý, cân đối hài hoà thu - chi, giải trình rõ ràng, minh bạch với xã hội, đồng thời nghiên cứu thêm chính sách ưu đãi cho đối tượng khó khăn.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, ĐH Vinh,… đều đánh giá cao sự chỉ đạo, ủng hộ quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Bộ GDĐT, ủng hộ quan điểm cẩn trọng và tăng học phí có lộ trình của ngành. Vụ KHTC đã tổng hợp, trả lời, làm rõ những đề xuất, kiến nghị từ các đơn vị trước và trong hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của các công tác giải ngân. Ban Cán sự Đảng Bộ GDĐT đã trực tiếp chỉ đạo, thành lập Tổ công tác về giải ngân, họp định kỳ hàng tháng và đột xuất, thường xuyên kiểm tra tiến độ các dự án, ra chế tài mạnh mẽ đối với các dự án chậm muộn, bình xét cuối năm,…


Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu kết luận Hội nghị

Thứ trưởng đề nghị, bối cảnh mới, tư duy mới đòi hỏi các công tác này cần phải có những hành động mới, đặc biệt, phải sáng tạo, chủ động khai thác các nguồn lực và đề xuất cụ thể tới Chính phủ và trong phối hợp Bộ, ngành.

“Khó thì mới cần bàn và cần làm”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định và cho biết, quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ và Tổ công tác cô đọng trong 10 chữ: “Trách nhiệm, Quyết liệt, Sâu sát, Kịp thời, Hiệu quả”. Các đơn vị, dự án cần quán triệt thông điệp này trong chỉ đạo, triển khai, trong đó cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, thường xuyên báo cáo, tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn.

Trong bối cảnh các đơn vị từ công lập sự nghiệp đến các trường đại học được giao tự chủ, công tác quản lý đầu tư, tài chính, tài sản cần được coi trọng, gắn với giải trình và thực hiện đúng quy định của pháp luật, nhất là các vấn đề như đất đai, nhân sự, tài chính tài sản, đào tạo và tuyển sinh.

Thứ trưởng cũng lưu ý các đơn vị thực hiện tối đa, nghiêm túc các kết luận của thanh tra kiểm toán, đồng thời, giao nhiệm vụ cho các đơn vị chuyên môn để công tác này đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.