Trong vài năm gần đây, có một câu hỏi mà tôi nhận được từ rất nhiều những học sinh trung học rằng: Trong thời buổi khủng hoảng như hiện nay, liệu có đáng để vào ĐH hay không? Tôi có thể nói mà không cần do dự rằng: CÓ.

Có thể nói Đại học là nơi bạn hiểu hơn về bản thân của mình. Đó cũng là nơi bạn học được cách để học những điều khác trong cuộc sống. Đó là cũng là nơi bạn mở rộng mối quan hệ của mình với những ý tưởng mới mẻ trong đầu. Đối với những ai đam mê kinh doanh, trường học là nơi bạn học được ngôn ngữ của kinh doanh, kế toán, tài chính, marketing và sales.

Tuy vậy, tôi phải nói lại rằng, câu hỏi không phải là việc bạn có nên đến trường hay không mà kế hoạch của bạn ở trường học là gì và điều gì khiến bạn quyết định theo đuổi ngành học đó. Hãy tự hỏi rằng liệu khi bạn ra trường, những kiến thức đó có giúp bạn gì hay không hay thậm chí ngành học đó còn hợp thời hay không?

Tỷ phú Mark Cuban – trường hợp kiếm tiền điển hình kiểu Mỹ. (Ảnh: Flickr)

Muốn trả lời câu hỏi này, hãy thử lướt qua một vài trang tin tức hay tạp chí chuyên ngành, bạn sẽ phần nào thấy được tương lai của ngành đó trong vài năm tới. Nếu bạn vẫn còn nghi ngờ, thử lấy ngay ngành công nghiệp in ấn làm ví dụ.

Trước đây, chúng ta thường nghĩ sẽ chẳng có gì có thể thay thế được cho báo in, thế rồi Internet ra đời làm đảo lộn tất cả. Vấn đề không phải là do các tờ báo in thiếu năng lực và chuyên môn, nhưng những gì mà họ đầu tư từ nhà máy, xưởng in đều không thể theo kịp được tốc độ thay đổi của thế giới số ngày nay. Và họ bị mắc kẹt trong đó mà không có cách nào thoát ra được.

Và điều tương tự có thể xảy ra với 4 năm đại học của bạn. Bạn có thấy tại sao các trường ĐH trên thế giới cứ tiếp tục xây thêm những toà nhà mới, trong khi thực tế là một phòng học cho sinh viên kinh tế sẽ chẳng khác gì một phòng học cho sinh viên ngôn ngữ hay văn học.

Và khi phải chi trả quá nhiều cho điều này, các trường sẽ tìm cách xoay sở và dĩ nhiên học phí là nguồn thu chủ yếu khi mà ngân sách quốc gia sẽ ngày càng thắt chặt hơn nữa. Trừ phi cha mẹ bạn đủ giàu hay bạn đủ giỏi để nhận được một học bổng toàn phần, với đa số những người còn lại, cái thời được tự do chọn lựa trường học theo ý muốn đã không còn nữa.

Theo cá nhân tôi, những sinh viên khoá 2014 sẽ cần nhiều hơn nữa những bản kế hoạch đi học đại học. Câu hỏi nên đặt ra là bạn nên học ở đâu để có chất lượng tương đương nhưng chi phí thấp hơn hay những môn học nào bạn nên đăng ký học tại trường và môn nào nên học online.

Hãy tính toán cẩn thận để làm sao sau 4 năm nữa, bạn có thể cầm trên tay tấm bằng ĐH, với đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết và quan trọng hơn cả là không hề có bất kỳ món nợ nào trên lưng.

Bạn vẫn có thể thất nghiệp dù tốt nghiệp từ một ngôi trường hàng đầu đi nữa. (Ảnh: Flickr)

Tôi không nghĩ là bạn cần phải trả một số học phí hàng chục ngàn đô la một năm chỉ để học những môn học cơ bản ở đâu cũng có. Tất nhiên những ngôi trường danh tiếng sẽ không thích điều này. Họ có đủ lý do vì sao sinh viên nên trả số tiền đó bởi họ có những giáo sư danh tiếng, nguồn tài liệu khổng lồ hay môi trường năng động cho sinh viên.

Một cái tên danh tiếng trong CV cũng giúp bạn nổi bật hơn trong mắt nhà tuyển dụng. Thế nhưng, đó là chuyện của 10 năm trước, còn bây giờ, bạn vẫn có thể thất nghiệp cho dù bạn có tốt nghiệp từ một ngôi trường hàng đầu đi nữa.

Tôi tin rằng, nếu tình trạng này cứ tiếp tục diễn ra, sẽ sớm có những trường ĐH phải tuyên bố phá sản sau vài năm nữa. Và những học sinh thông minh sẽ không còn chỉ biết chọn trường, vay mượn tiền và đánh cược với nó. Tương lai của bạn phụ thuộc vào bản kế hoạch 4 năm tới của bạn và cách mà bạn sẽ sử dụng những kiến thức và kỹ năng từ trường học để tìm kiếm những cơ hội mới sau đó.

Nếu bạn không muốn trở thành một con nợ trong suốt 10 năm sau tốt nghiệp, hãy thực sự nghiêm túc với bản kế hoạch đó, càng sớm càng tốt. Không phải ai cũng trở thành triệu phú ngay ở tuổi 22 vì mỗi chúng ta đều có một hướng đi khác nhau, nhưng không có con đường nào dẫn tới thất bại nhanh hơn một món nợ từ quá khứ.

Tới trường luôn là điều cần thiết cho mỗi chúng ta, nhưng đây sẽ là lúc bạn cần tỉnh táo chọn ra ngôi trường phù hợp cho mình và cả tương lai phía trước nữa. Đừng chờ tới tuổi 22 để bắt đầu lo lắng cho tương lai của mình.

Mark Cuban là doanh nhân, nhà đầu tư người Mỹ, ông chủ của đội bóng rổ Dallas Mavericks. Anh còn là chủ sở hữu hãng phim Magnolia, Chủ tịch Công ty Cáp viễn thông HDNet. Có thể nói Mark Cuban là một trường hợp kiếm tiền điển hình kiểu Mỹ. Anh khởi nghiệp với hai bàn tay trắng và trở thành tỉ phú nhờ vào những ý tưởng sáng tạo và mới lạ. Hiện Mark có tài sản ước tính khoảng 2,7 tỷ USD (2014).